• :
  • :
Phần mềm ứng dụng
Thư viện ảnh
Thống kê truy cập
Hôm nay : 5
Hôm qua : 5
Tháng 09 : 190
Tháng trước : 513
Năm 2024 : 915
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

DI TÍCH LỊCH SỬ CÁCH MẠNG “TƯỢNG ĐÀI THỦY BỒ”

1. Tên di tích:Tượng đài Thủy Bồ.

2. Loại công trình: Tượng đài.

3. Loại di tích: Lịch sử cách mạng.

4. Quyết định: Đã được UBND Tỉnh Quảng Nam xếp hạng di tích lịch sử cách mạng cấp tỉnh theo quyết định số: 440/QĐ-UBND ngày 15 tháng 2 năm 2015.

5. Địa chỉ di tích:Thôn Châu Thủy, xã Điện Thọ, Thị xã Điện Bàn.

6. Tóm lược thông tin về di tích:

Sau khi trực tiếp đổ quân vào tham chiến ở miền Nam, Việt Nam, đế quốc Mỹ đóng căn cứ quân sự với đủ loại sắc lính: Hải quân, Lục quân, Không quân tại Đà Nẵng. Để thực hiện âm mưu xâm lược, chúng cho càn ủi, bắn phá với khẩu hiệu ba sạch “đốt sạch, phá sạch, giết sạch”. Ở các vùng nông thôn xung quanh Đà Nẵng, chúng soát dân, tìm cộng sản và uy hiếp tinh thần đấu tranh của nhân dân xã Điện Thọ nói riêng, nhân dân Điện Bàn nói chung. Đế quốc Mỹ đã gieo đau thương, tan tóc cho đồng bào ta. Người dân nào, gia đình nào cũng chịu mất mát.

Lúc 10h sáng, ngày 21 tháng Giêng năm Đinh Mùi (1967), nhân dân đang nô nức chuẩn bị đón tết cổ truyền, thì đế quốc Mỹ cho đổ bộ xuống Gò Soi, một trung đội Lính Nam Triều Tiên được trang bị súng ống đầy đủ, chúng mở một trận càn lớn, trên đường tiến vào thôn Thủy Bồ xã Điện Thọ, lính Nam Triều Tiên đốt nhà, bắn phá bừa bãi, làm cho nhân dân hoảng sợ, bỏ chạy. Họ tập trung nhiều người trong một nhà để dựa vào nhau cho đỡ sợ và chúng sẽ không dám bắn vì phần đông là người già, phụ nữ và trẻ em. Nhưng họ đã lầm, với dã tâm khát máu, lính Nam Triều Tiên không từ bỏ một ai.

Tại nhà ông Nguyễn Hữu, ông Nguyễn Sanh, Bà Cạn, chúng tàn sát 44 người, trong đó có bà Nguyễn Thị Chánh được trốn thoát. Sau đó chúng tràn ra Xóm Ngoài cũng thôn Thủy Bồ, mặc cho tiếng kêu la thảm thiết của mọi người, chúng vẫn bắn 33 người nữa. Gia đình ông Trương Cương 6 người, gia đình ông Lê Bạn 4 người và bé Lê Thị Túy mới ba tháng tuổi bị chúng giết một cách dã man không còn tính người. Chúng xem đó như một trò chơi đầy lí thú. Giữa cảnh hãi hùng, bà Nguyễn Thị Tới tay nách hai đứa con sinh đôi vừa tròn 4 tháng tuổi, ngồi nấp dưới ảng nước nhà ông Nguyễn Hữu bị bắn chết, nhưng hai tay vẫn còn níu lấy hai đứa con sinh đôi là Nguyễn Văn Toản Anh và Nguyển Văn Toản Em vào lòng. Hai đứa trẻ vẫn đang bú mẹ, chúng bú những giọt máu mà tưởng như những giọt sữa. Chúng đâu hay rằng giọt sữa ngọt lành đã theo mẹ nó vĩnh viễn ra đi. Có gia đình may mắn được sống sót nhưng nỗi kinh hoàng mãi mãi không thể nào quên. Ông Nguyễn Bảy cánh tay đầy vết tích. Tại nhà Ông Lê Công Sú có 14 người nấp dưới hầm chìm, lính đánh sập hầm và ném lửa xuống nhưng họ đã nhanh trí dùng nước tiểu thấm vào áo để dập tắt.

Chỉ trong một thời gian ngắn từ 10h đến 13hngày 21 tháng Giêng năm Đinh Mùi (1967), lính Nam Triều Tiên đã tàn sát 115 người dân ở Thủy Bồ và một số người ở Điện Hồng, Điện Phước chạy tới. Những cái chết bi thảm của người dân vô tôi không chỉ dừng lại ở đây, nấm mộ cỏ xanh chưa mọc, lớp người khác lại tiếp tục ra đi.

Hai ngày sau lính Nam Triều Tiên lại giết tiếp 30 người dân La Trung, trong đó có cả gia đình lính nghĩa quân. Khi nghe con số 145 nười bị thảm sát ở Thủy Bồ, La Trung, mọi người ai cũng sững sốt, nỗi đau thương và sự mất mát mãi mãi không thể nào quên đối với người dân Điện Thọ.

Giữa cánh đồng lúa ở thôn Thủy Bồ (nay là thôn Châu Thủy, xã Điện Thọ, thị xã Điện Bàn, Quảng Nam) có một đài tưởng niệm vụ lính Mỹ thảm sát 145 người dân vô tội vào buổi trưa 21 tháng Chạp âm lịch năm 1967. Trên đỉnh đài là cảnh một đứa trẻ đang nằm bú trên xác mẹ. Đứa trẻ ấy chính là Ông Nguyễn Quốc Tuấn (Hiện sinh sống tại Thôn Kỳ Bì, Xã Điện Thọ). Ngày Mẹ ông qua đời thì ông mới 9 tháng tuổi,  lúc giặc tràn vào vẫn còn nằm trong vòng tay của mẹ.

Năm 1979, đài tưởng niệm 145 nạn nhân trong vụ thảm sát được dựng lên trên cánh đồng lúa của thôn. Với anh Nguyễn Quốc Tuấn, đó là tượng đài về người mẹ trong lòng anh, dù không thể hình dung ra nét mặt, nụ cười của mẹ nhưng được ngắm nhìn hình ảnh đi vào lịch sử ấy là niềm an ủi.

Sau vụ thảm sát, anh Nguyễn Quốc Tuấn được cô Huỳnh Thị Cẩm, lúc ấy 30 tuổi, người cùng xã đưa về Hội An nuôi. Suốt mấy chục năm nuôi anh Tuấn, bà Cẩm chưa hề nghĩ tới chuyện lấy chồng. Anh Tuấn bây giờ có một gia đình ấm êm với mẹ già, vợ hiền, con ngoan, và hết lòng chăm sóc, phụng dưỡng mẹ Cẩm. Anh Tuấn đặt tên 3 đứa con là Công, Đức, Hạnh, để nhắc nhở mình sống cho vẹn toàn. (Nguyễn Đức Công, con trai Anh Tuấn là Phó Bí thư Đoàn xã Điện Thọ từ 2015)

Con đường nhựa ngăn đôi cánh đồng lúa thôn Châu Thủy bây giờ, một bên là nghĩa trang, một bên là đài tưởng niệm. Giữa nhấp nhô bia mộ đen vàng, ruộng lúa xanh mướt. Tuy đau thương, nhưng từ ngày giải phóng đến nay thôn Châu Thủy nói riêng và xã Điện Thọ nói chung vẫn vực dậy và phát triển không ngừng. Hằng năm, Tuổi trẻ Điện Thọ vẫn đều đẹn tổ chức các hoạt động chăm sóc, làm đẹp di tích, tuyên truyền giáo dục truyền thống đấu tranh cách mạng kiên cường của quê hương cho thế hệ trẻ. Năm 2019, UBND Thị xã và xã Điện Thọ đã đầu tư kinh phí trùng tu di tích vụ thảm sát Thủy Bồ khang trang, trở thành địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống đấu tranh cách mạng kiên cường của quê hương cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau.      


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Thăm dò ý kiến
Nội dung thông tin cung cấp trên cổng thông tin điện tử:
Video Clip