DI TÍCH LỊCH SỬ VĂN HÓA CẤP QUỐC GIA “MỘ CỤ TRẦN QUÝ CÁP”
1. Tên di tích: Mộ Trần Quý Cáp.
2. Loại công trình: Lăng mộ.
3. Loại di tích: Lịch sử văn hóa.
4. Quyết định: Đã được Bộ Văn hóa thông tin xếp hạng di tích cấp quốc gia theo quyết định số: 16/2000/QĐ-BVHTT ngày 21 tháng 8 năm 2000.
5. Địa chỉ di tích: Nghĩa địa Gò Bướm, thôn Nhị Dinh I, xã Điện Phước, thị xã Điện bàn, tỉnh Quảng Nam.
6. Tóm lược thông tin về di tích:
Trần Quý Cáp lúc nhỏ tên là Nghị, sau đổi Quý Cáp, tự Dã Hàng, Thích Phu, hiệu là Thái Xuyên. Sinh năm 1870 (Canh Ngọ) tại thôn Thai La, làng Bất Nhị, nay là xã Điện Phước, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam.
Xuất thân trong một gia đình nông dân nghèo nhưng hiếu học. Lúc tuổi trẻ, ông đã nổi tiếng là một trong sáu học trò lỗi lạc của cụ Đốc học Mã sơn Trần Đình Phong tại trường Thanh Chiêm cùng với Phạm Liệu, Nguyễn Đình Hiến, Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng và Phan Quang.
Năm 1904, đỗ Tiến sĩ, được vua Thành Thái ban cờ “ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ, xuất thân đệ nhất danh” và biển “Ân tứ vinh qui”.
Năm 1905, ông cùng các đồng chí Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng định vàoNam hô hào công cuộc Duy Tân.
Năm 1907, Ông làm Giáo thụ ở phủ Thăng Bình, tỉnh QuảngNam. Ông khởi xướng cách mạng giáo dục, dạy chữ quốc ngữ, tổ chức tập thể dục, cải cách y phục gọn gàng vì thế ông bị thuyên chuyển vào Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa.
Năm 1908, nhân dân Quảng Nam nổi lên xin sưu, kháng thuế, sau lan ra nhiều tỉnh. Thực dân Pháp và Nam triều thẳng tay đàn áp. Các nhà cách mạng ở địa phương gửi tin tức vào cho Ông. Thư bị phát giác, Ông bị bắt và bị khép vào tội mưu phản , lãnh án bị chém ngang lưng tại KhánhHòa ngày 17 tháng 5năm 1908(Mậu Thân). Sau này, di hài Ông được bạn bè và thân nhân đưa về an táng tại quê nhà.
Ông đã sống một đời khinh tài, trọng nghĩa, xứng đáng với tám chữ “Sanh ư đạo đức, Tử ư khí tiết”.Ông mất đi, đất nước mất đi một nhà yêu nước với chí hướng cải cách giáo dục, canh tân đất nước.
Cụ Trần Quý Cáp, cả cuộc đời hy sinh cho dân, cho nước, tên tuổi sự nghiệp của ông đã làm rạng danh trang sử vàng; Mộ ông tại nghĩa trang Gò Bướm, làng Bất Nhị, xã Điện Phước bị bom đạn chiến tranh tàn phá chỉ, còn nền móng đơn sơ, không xứng tầm là nơi yên nghỉ của một danh nhân. Năm 1991, Ban vận động trùng tu mộ Chí sĩ Trần Quý Cáp được thành lập, gồm có đại diện chính quyền xã Điện Phước, thị xã huyện Điện Bàn, gia đình con cháu cụ Trần Quý Cáp. Số tiền quyên góp được cùng với sự hỗ trợ 40 triệu đồng của UBND tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng, công trình trùng tu xây dựng mộ Chí sĩ Trần Quý Cáp đã khánh thành vào ngày 12/01/1995.
Mộ Cụ Trần Quý Cáp chính thức được công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia vào năm 2000theo quyết định số:16/2000/QĐ-BVHTT ngày 21 tháng 8 năm 2000 của Bộ Văn hóa thông tin.