• :
  • :
Phần mềm ứng dụng
Thư viện ảnh
Thống kê truy cập
Hôm nay : 9
Hôm qua : 15
Tháng 09 : 209
Tháng trước : 513
Năm 2024 : 934
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

DI TÍCH LỊCH SỬ VĂN HÓA CẤP TỈNH: MIẾU THÀNH HOÀNG, XÃ ĐIỆN TRUNG

1. Tên di tích:Miếu Thành Hoàng

2. Loại di tích: Lịch sửvăn hóa

3. Quyết định: Đã được UBND Tỉnh Quảng Nam xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh theo quyết định Số: 1341/QĐ-UBND ngày 20/4/2018.

4. Địa chỉ di tích:Thôn Hòa Giang, Xã Điện Trung, Thị xã Điện Bàn.

5. Tóm lược thông tin về di tích:

Miếu Thành Hoàng tọa lạc tại thôn Hòa Giang, xã Điện Trung, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Dưới thời chúa Nguyễn, 15 tộc họ từ phương Bắc trên con đường Nam tiến vào khai hoang lập nghiệp, lập nên làng Trừng Giang vào năm 1625. Trải qua các thế hệ đã sản sinh các lớp con cháu, nối tiếp nhau “Tiền hiền khai khẩu, hậu hiền khai cơ” đoàn kết gắn bó, giúp đỡ nhau vượt qua những thăng trầm, biến thiên của lịch sử, yêu thương đùm bọc lẫn nhau, chan chứa tình người.

“Yêu thương gắn bó chan hòa

      Mười lăm dòng tộc như là anh em”

          Để tưởng nhớ các bậc tiền nhân của các tộc họ, khai hoang mở đất, lập làng, con cháu các tộc họ thôn Hòa Giang đã xây dựng Miếu Thành Hoàng là nơi để thờ cúng các bậc tiền nhân vào năm 1880. Miếu Thành Hoàng được xây dựng bằng gạch cổ và vôi, kiểu dáng cổ xưa, mái lợp bằng ngói âm dương, được trang trí thờ vị Thành Hoàng (Tiền hiền tộc Lê, Phạm Hữu…), mặt tiền của miếu hướng về phương Bắc. Trải qua hai cuộc kháng chiến Miếu thành Hoàng nhiều lần bị phá hủy và trùng tu lại đơn sơ. Con cháu các dòng tộc đóng góp công sức gìn giữ và tôn tạo Miếu Thành Hoàng qua bao biến thiên của lịch sử và được gìn giữ đến ngày nay.

          Hằng năm, tại Miếu Thành Hoàng, các tộc họ, con cháu của làng đã tổ chức các lễ hội cúng kính theo phong tục tập quán cổ truyền của người Việt. Miếu còn là nơi sinh hoạt, họp hội của cộng đồng làng để giáo dục truyền thống yêu nước, truyền thống đấu tranh cách mạng. Lễ cúng gồm có: Phù lang tửu và sinh vật (heo, gà, hoa quả …) và các bài văn tế vào thời gian Xuân Thu định kỳ.

          Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, Miếu Thành Hoàng trở thành nơi hoạt động cách mạng của quân và dân xã Điện Trung. Điển hình là cuộc bạo động khởi nghĩa cướp chính quyền năm 1945. Vào tối ngày 17.8.1945 đến khoảng 1 giờ sáng ngày 18.8.1945, lệnh khởi nghĩa của Ủy ban bạo động phủ về tới các Ủy ban bạo động của tổng, xã trong đó có xã Điện Trung. Tại Miếu Thành Hoàng cũng như các đình làng, chùa, miếu khác ở Điện Bàn đèn đuốc thắp sáng, đồng bào tập trung chuẩn bị cơm nước, băng cờ, giáo mác, gậy gộc để chờ lệnh tập trung xuống đường. Các bậc lão thành cách mạng như: Phạm Hữu Bằng, Phạm Bá Bổng, Lê Đông Phong… đã quy tụ nhân dân của làng Trừng Giang tại Miếu Thành Hoàng rầm rập xuống đường theo cánh từ Gò Nổi theo đò Phương Trà kéo xuống tham gia tổng khởi nghĩa, giành chính quyền, làm nên cách mạng tháng 8/1945.

          Trong 21 năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước vùng đất Điện Bàn nói chung và xã Điện Trung nói riêng đã bị tàn phá ác liệt, nhân dân thôn Hòa Giang đã bám trụ kiên cường “một tất không đi, một li không rời” bám đất giữ làng. Năm 1964, đồng chí Phạm Hữu Bằnghuyện ủy Điện Bàn về hoạt động bí mật tại Miếu Thành Hoàng cùng với cơ sở mật chuẩn bị cho giải phóng Gò Nổi 1965, trong lúc họp hội bị địch phát hiện, đồng chí Phạm Hữu Bằng được giải thoát đến ẩn trú tại Thôn 3, xã Phú Tho cũ thì bị địch phát hiện và vây bắt, đồng chí đã tiêu hủy tài liệu và hi sinh anh dũng.

          Năm 1965, làng Trừng Giang và vùng Gò Nổi được giải phóng. Tuy nhiên, mảnh đất này lại bị tàn phá, cày đi xúc lại thành vùng trắng, Miếu Thành Hoàng trở thành điểm tựa để huy động nhân dân. Năm 1968 – Mậu Thân, hàng trăm nhân dân của làng có mặt đông đủ tại đây để tham gia tổng tấn công nổi dậy do chị Nguyễn Thị Hồng huyện ủy viên dẫn đầu, đến quận lụy Điện Bàn, trong lúc dẫn quân tiến lên thì chị bi địch bắn gãy một tay, tay còn lại càm cờ hô anh dũng, cuối cùng chị cũng đã hi sinh kiên cường và được phong tặng Anh hùng LLVT nhân dân.

Nhằm chiếm lại vùng đất đã bị giải phóng trong Đồng Khởi 1968 và truy quét lực lượng cách mạng trụ bám tại Điện Trung (vùng Gò Nổi nói chung), ngày 6/2/1968 (tức ngày 9/1/Mậu Thân) lính Mỹ tập trung lực lượng thủy quân lục chiến, có không quân yểm trợ đánh sâu theo 3 hướng chính:

- Từ dốc Kiểm Cường qua cánh đồng Bàn Lãnh

- Từ nhà Giảng ra cánh đồng thôn 4 (Tân Bình)

- Ngõ Hàng Huyện, Bàu Ngang lên Tân Bình 3

Khi bộ binh Mỹ tràn đến địa phận xã Điện Trung thì chạm phải tuyến phòng ngự dọc theo Bàu Ngang (ranh giới thôn Bàn Lãnh và Trường Giang (hay còn gọi là Trừng Giang), dài khoảng 1km) của bộ đội địa phương và du kích quân giải phóng. Bị đánh chận lại, lực lượng bộ binh Mỹ triển khai hình cánh cung vây kín dọc Bàu Ngang, đồng thời gọi hỏa lực và không quân yểm trợ pháo xuống làng Trừng Giang, bắn phá Miếu Thành Hoàng. Máy bay cứ quầng đi quầng lại trên bầu trời, lúc cao, lúc thấp, gió bụi mịt mù. Pháo từ các hướng: Trà Kiệu, Hòn Bằng, An Hòa, Bồ Bồ…bắn tấp nập không ngớt. Bom nổ chậm, bom hẹn giờ, bom bi…rải thảm liên tục suốt 2 ngày đêm. Thấy lực lượng không cân sức và sợ dân bị liên lụy, nên sau 2 ngày chiến đấu, vào đêm ngày 8 bộ đội du kích rút quân qua sông Thu Bồn.

Vào lúc 15giờ chiều ngày 9/02/1968 (tức ngày 12 tháng Giêng) bộ binh Mỹ tràn qua Bàu Ngang vào làng Trừng Giang. Đi đến đâu lính Mỹ la hét, bắn phá đến đó, gặp ai cũng nghi là Việt Cộng, dù ở trong nhà hay ngoài đường đều bị bắt hết. Địch và quân nam Triều Tiên đã dồn 20 người dân về Miếu Thành Hoàng, sau đó dẫn bộ 100 m đến Lò gạch và chúng đã bắn giết 20 người dân vô tội trong đó có một số du kích của thôn (10 người trong số họ là liệt sĩ).

          Sau ngày thống nhất đất nước, Miếu Thành Hoàng trở thành nơi thờ cúng, tri ân các bậc tiền nhân là điểm tựa cho đấu tranh cách mạng hào hùng của nhân dân trong làng. Chỉ với một làng nhỏ bé ven sông Thu Bồn, qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ đã có 165 người hi sinh (trong đó có 80 liệt sĩ), một anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân – Nguyễn Quang Vinh và 15 bà mẹ Việt Nam anh hùng.

Ai tính được máu xương đổ xuống

       Từng nẻo đường đồng ruộng dòng sông

                                          Ai biết hết bao gương quả cảm

                                          Tự hào thay quê mẹ anh hùng

 Khu di tích Miếu Thành Hoàng được chia làm ba khu vực. Khu vực bảo vệ 1 là khu Miếu Thành Hoàng. Khu vực bảo vệ 2 sau ngày giải phóng 30/04/1975, thể theo nguyện vọng của 15 tộc họ; các bà mẹ Việt Nam  anh hùng; các gia đình liệt sỹ, có công với cách mạng và cũng là nguyện vọng của nhân dân thôn Hòa Giang; cùng toàn thể bà con quê hương sinh sống ở mọi miền tổ quốc thiết tha việc giữ gìn, tôn tạo, nâng cấp và mở rộng để trờ thành di tích lịch sử nhằm giáo dục truyền thống cho các thế hệ mai sau. Chính vì vậy, các tộc họ và nhân dân kính trình UBND xã Điện Trung, UBND Thị xã cho phép trùng tu, tôn tạo và mở rộng quy mô, diện tích trên 15.000 m2 xây thêm thờ Quốc tổ Hùng Vương, Chủ tích Hồ Chí Minh, các anh hùng liệt sỹ, các mẹ Việt Nam anh hùng. Khu vực bảo vệ 3, tường rào, cổng ngõ và sân bãi đạu xe cũng được xây dựng khang trang tạo điều kiện để du khách và nhân dân đến tham quan và viếng hương.

          Hằng năm, người dân thôn Hòa Giang định kỳ tổ chức các lễ tế xuân, tế thu cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu. Đặc biệt lvào tháng ba hằng năm, hòa cùng với cả nước, tại Miếu Thành Hoàng, các tộc họ tổ chức lễ hội Thanh Minh, Lễ giỗ tổ Hùng Vương trang trọng vầ đầy ý nghĩa. Đây cũng là dịp để bà con đông hương nơi xa xứ về lại tề tựu, đóng góp những nghĩa cử cao đẹp để góp phần xây dựng làng xóm, xây dựng quê hương. Nguyện vọng của nhân dân và chính quyền địa phương mong muốn Miếu Thành Hoàng được xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh nhằm bảo tồn và phát huy giá trị lịch sử - văn hóa của Miếu Thành Hoàng.

Miếu Thành Hoàng đã kế thừa và mang đậm ý nghĩa văn hóa tín ngưỡng của người dân Gò Nổi. Miếu Thành Hoàng là nơi tưởng nhớ các bậc tiền nhân khai cơ lập nghiệp, tạo lập nền tảng tinh thần, phát huy truyền thống yêu nước của các thế hệ đi trước, truyền thống lịch sử đấu tranh cách mạng của quê hương, chung ta xây dựng quê hương đất nước ngày càng giàu đẹp. Đạo lý truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ người trồng cây” đã được con cháu, tộc họ của làng Trừng Giang được phát huy thông qua các lễ hội, các đóng góp tại Miếu Thành Hoàng. Nơi đây đã góp phần giáo dục cho con cháu và các thế hệ mai sau sống sao cho xứng đáng với các vị tiền nhân, với quê hương, đất nước.

 

 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Thăm dò ý kiến
Nội dung thông tin cung cấp trên cổng thông tin điện tử:
Video Clip