• :
  • :
Phần mềm ứng dụng
Thư viện ảnh
Thống kê truy cập
Hôm nay : 5
Hôm qua : 5
Tháng 09 : 190
Tháng trước : 513
Năm 2024 : 915
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

ĐÌNH LÀNG BỒ MƯNG, ĐIỆN THẮNG BẮC

1. Tên di tích: Đình Làng Bồ Mưng

2. Loại di tích: Lịch sử văn hóa

3. Quyết định: Đình Làng Bồ Mưng đã được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh theo quyết định Số:133/QĐ-UBND ngày 10/01/ 2007 của UBND Tỉnh Quảng Nam.

4. Địa chỉ di tích:Thôn Bồ Mưng, Điện Thắng Bắc, Điện Bàn.

5. Tóm lược thông tin về di tích:

Đình làng Bồ Mưng được UBND Tỉnh công nhận là di tích lịch sử cấp tỉnh, theo quyết định số 133/QĐ-UB ngày 10/01/ 2007. Di tích thuộc thôn Bồ Mưng, xã Điện Thắng Bắc, thị xã Điện Bàn, Tỉnh Quảng Nam. Diện tích bảo vệ di tích là 2.154,7m2.

Đình làng Bồ Mưng tọa lạc tại sứ đất Bồ Minh, phần đất xa xưa thuộc thị xã Diên Phước,  xã Bồ Bàng (nay thuộc thôn Bồ Mưng, xã Điện Thắng Bắc, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam)

Năm 1760 đình làng Bồ Mưng được tạo dựng bằng tranh tre. Lần thứ 2 làm lại năm 1810, triều Minh Mạng thứ 13. Nguyên niên do ông Nguyễn Cai Giáo, Nguyễn Đức Duy đứng ra vận động dân làng xây dựng với kết cấu tường gạch, lợp ngói âm dương, kèo cột làm bằng gỗ tốt có chạm trỗ hoa văn sắc xảo, mang tính riêng biệt của làng quê Việt Nam, giàu truyền thống văn hóa dân tộc. Trên nóc đình có trang trí Long, Lân, Quy, Phụng. Phía trước có bình phong chạm hình bạch hổ, bên trong đình có 3 gian, 2 chái, giữa là hậu tẩm thờ Đại Càn Tướng Quân, bên trái và phải thờ các vị Thần Tích, Thần Sắc và các vị tiền hiền bổn xứ của làng. Qua thời gian đình bị hư hại, nên năm 1935, 1936 dân làng đóng góp để đại trùng tu và sửa chữa.

Trong kháng chiến, Đình bị chiến tranh tàn phá làm hư hỏng nặng nề.

Đình làng Bồ Mưng ngoài việc xây dựng để tưởng nhớ các vị tiền nhân, xuân kỳ thu tế đều có cúng tế rất trang nghiêm: Ngày mùng 4 tháng Giêng lễ cúng đầu năm, họp mặt dân làng, ngày 11 tháng 3 ÂL lễ cúng Tiền hiền bổn xã và cầu cho mưa thuận, gió hòa để đời sống nhân dân được bình an và ngày Đông chí.

Mặt khác, đình còn là nơi hoạt động cách mạng .Vào ngày 20 tháng 8 năm 1945 dân làng Bồ Mưng và Ngân Hà tập trung về đây hội họp tại đình này, với giáo mác, gậy gộc dưới sự hướng dẫn của đồng chí Nguyễn Văn Quần, Nguyễn Đăng Thanh, Nguyễn Tình và Trương Thanh về phủ đánh cướp chính quyền và tổ chức chống đối bọn đế quốc.

Trong 9 năm kháng chiến chống Pháp, từ năm 1945 đến năm 1954 đình làng đóng vai trò rất quan trọng là địa điểm tập hợp dân quân du kích, tập huấn kỹ thuật để đánh địch ở hai địa bàn: Đồn Tứ Câu, Lô Cốt Gò Phật. Tổ chức đánh, diệt gọn đàn xe 14 khi chúng từ vùng đất Hồ Mộ đến ngã ba Lầu Sụp ( theo lịch sử Đảng bộ tỉnh Quảng Nam). Nơi đây cũng là nơi tập trung thường xuyên dân quân, du kích sinh hoạt hội họp. Bám địch đưa bộ đội chủ lực và tù binh như trận đánh ở Bồ Bồ tháng 3/1954 thắng lợi.

Sau hiệp định Giơnever ký kết ngày 20/07/1954 Mỹ-Diệm tập trung lực lượng ngụy quân, ngụy quyền thủ đoạn man rợ nhất để đàn áp, hòng tiêu diệt phong trào cách mạng của ta. Phát huy truyền thống yêu nước của dân làng, hiệp định Giơ ne vơ ký chưa ráo mực thì tại đình làng Bồ Mưng nổ ra cuộc đấu tranh giành cờ chống địch, buộc địch phải thực hiện như đã ký trong hiệp định. Bọn chúng ngoan cố đàn áp dân làng.

Khi Diệm đặt ra cuộc bầu cử giả hiệu ngày 23/10/1956, chúng tổ chức bỏ phiếu tại đình làng này, nhân dân lợi dụng thời cơ bỏ truyền đơn của ta vào thùng phiếu do đồng chí Nguyễn Thị Tương tổ chức. Từ đó, chúng đàn áp, đánh phá phong trào rất quyết liệt, nhưng một số cán bộ ở lại không đi tập kết như: Ngô Dinh, Phan Bốn là Thị xã ủy viên đã luôn kề cận với dân làng chiến đấu ngoan cường với địch và ngội đình này là điểm liên lạc trong những ngày cách mạng miền Nam còn nằm trong thế đen tối nhất.

Ông Nguyễn Văn Mai, thôn trưởng, Nguyễn Trở, thôn Đội trưởng tổ chức mitting tại đình làng, tuyên truyền vận động nhân dân hợp thương tổng tuyển cử. Cũng trong giai đoạn này, khi Diệm thực hiện xong cuộc bầu cử giả hiệu lên nắm chính quyền ở miền Nam Việt Nam, chúng ra sức đánh phá cách mạng, bắt nhân dân phải ly khai cộng sản, bắt số cán bộ ở lại và số gia đình cách mạng thực hiện chính sách tố cộng. Tại đình làng này địch tổ chức liên tục nhiều ngày đêm bắt học tập, đứng đòn tra tấn, đổ nước, vuốt lạt cật tre, đồng chí Nguyễn Trở bị chúng đóng đinh xuyên qua miệng. Nhiều đồng chí khác bị chúng tra tấn buộc ly khai cộng sản, từ bỏ Đảng, xé cờ Đảng, hô khẩu hiệu nhưng thất bại, chúng vẫn không khuất phục được tinh thần yêu nước của nhân dân. Nhân dân Bồ Mưng vẫn bảo vệ cách mạng, họ đã tiếp tế lương thực, nuôi dưỡng, che chở cho cán bộ nằm vùng tại đình làng này như Phan Bồn, Lê Láo. Một số đồng chí cách mạng lão thành hiện nay còn sống biết rõ như đồng chí Lê Sỹ Hùng nguyên là Thị xã ủy viên và một số đồng chí như đồng chí Trần Hân (còn gọi là Út ), đội trưởng đội Tuyên truyền giải phóng quân đã lăn lỏi hoạt động xây dựng phong trào, đồng chí Nguyễn Đăng Ba, tổ trưởng tổ diệt ác ôn, phá kiềm, đồng chí Nguyễn Văn Cường đội tuyên truyền giải phóng quân tại khu vực đình.

Từ năm 1961 đến năm 1963 đình làng Bồ Mưng là nơi các đồng chí hoạt động cách mạng ẩn náu như đồng chí Lý Qúy, nguyên Thường vụ Thị xã ủy Điện Bàn, đồng chí Lê Sỹ Hùng, Thị xã ủy viên, đồng chí Quốc, Thị xã ủy viên nằm trên xối tẩm đình để ẩn náu và hoạt động xây dựng cơ sở ở vùng này. Phía sau đình làng có hầm bí mật nuôi giấu cán bộ như đồng chí Nguyễn Văn Tháo, Quận ủy quận 2; đồng chí Nguyễn Thị Tương, cán bộ Binh vận của thị xã; Hoàng Tư Nghĩa, Quận ủy viên; Trần Phước Đi, Thị xã ủy viên, Bí thư xã Điện Thắng…

Năm 1962-1963, lực lượng quần chúng được tập hợp về tại đình này mitting với quy mô lớn, phát động nổi dậy phá kiềm, phá ấp chiến lược, diệt ác ôn, xây dựng chính quyền, xây dựng cơ sở cách mạng và thành lập tổ du kích và nơi đây thường xuyên cán bộ Thành qua lại trú ẩn như đồng chí Năm Dừa, đồng chí Đặng Văn Vấn. Ngôi đình này năm 1965 đến 1966 diễn ra hai đợt tuyển quân “ Theo bước chân anh Nguyễn Văn Trỗi ”, đã tiễn đưa hàng trăm thanh niên lên đường tòng quân đánh Mỹ.

Trong phong trào hoạt động du kích năm 1966-1967, tại sân đình này là nơi tạo dựng mô hình, sơ đồ luyện tập cho du kích phối hợp với lực lượng Thị xã đội đánh các chốt điểm của Mỹ ngụy. Các đồng chí lãnh đạo cách mạng rất tin thế trận lòng dân nơi đây, nhân dân luôn tin Đảng, bám trụ, giữ ngôi đình này làm điểm tựa để cách mạng hoạt động. Năm 1972, cũng tại đình làng du kích đã tổ chức đánh tiểu đội phục kích của ngụy, tiêu diệt 4 tên.

Đến tháng 3 năm 1994, được sự cho phép của chính quyền các cấp, dân làng Bồ Mưng đã tiến hành trùng tu nâng cấp nhằm tiếp tục hương khói tưởng nhớ các bậc tiền nhân đã đổ móng đặt nền cho quê hương, xứ sở tồn tại đến ngày hôm nay, đồng thời qua đó phát huy giá trị truyền thống tốt đẹp của người dân Bồ Mưng nói riêng và Điện Bàn nói chung qua bao đời nay.

Nhân dịp Ngày giỗ Tổ Hùng Vương, ngày mồng 10/3 âm lịch hằng năm, Hội đồng Chư Tộc làng Bồ Mưng đã tổ chức Lễ Kỳ Yên nhằm tri ân công đức của các bậc Tiền nhân của làng đã có công khai khẩn đất đai dựng làng, lập ấp. Trước khi đi vào buổi lễ, Hội đồng Chư Tộc và con cháu đã viếng hương và dâng hoa các anh hùng liệt sỹ tại Nhà bia làng Bồ Mưng. Hàng năm cứ đến ngày mồng 10/3, con cháu hướng về cội nguồn, về đình làng dâng nén hương thơm để tỏ lòng hiếu kính với các bật tiền nhân đã có công khai mở làng, lập ấp cầu mong cho quốc thái dân an, mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu, đời sống nhân dân ngày càng ấm no, hạnh phúc. Trong buổi lễ, các cụ bô lão cũng không quên nhắc nhở con cháu trong Dòng tộc chấp hành tốt các chủ trương đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước, thực hiện đầy đủ các Hương ước, Tộc ước. Phấn đấu 100% gia đình con cháu trong Tộc đều đạt gia đình văn hóa, không có con em vi phạm pháp luật, thực hiện tốt nếp sống văn minh, nhất là trong việc cưới, việc tang, lễ hội. Đặc biệt vận động con cháu thực hiện tốt các phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”.

 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Thăm dò ý kiến
Nội dung thông tin cung cấp trên cổng thông tin điện tử:
Video Clip