• :
  • :
Phần mềm ứng dụng
Thư viện ảnh
Thống kê truy cập
Hôm nay : 8
Hôm qua : 15
Tháng 09 : 208
Tháng trước : 513
Năm 2024 : 933
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

VỤ THẢM SÁT BÌNH NINH, PHƯỜNG ĐIỆN NAM BẮC

1. Tên di tích: Vụ thảm sát Bình Ninh, Phường Điện Nam Bắc.

2. Loại di tích: Lịch sử cách mạng.

3. Quyết định: Đã được UBND Tỉnh Quảng Nam xếp hạng di tích lịch sử cách mạng cấp tỉnh theo Quyết định số 1341/QĐ-UBND ngày20/4/2018.

4. Địa chỉ di tích:Khối phố Bình Ninh, Phường Điện Nam Bắc, Thị xã Điện Bàn.

5. Tóm lược thông tin về di tích:

Ngày 17.7.1965, Tổng thống Mỹ quyết định đưa hơn 20 vạn quân Mỹ, Chư Hầu vào miền Nam.Ngày 8.2.1965, một tiểu đoàn tên lửa đất đối không đổ vào bố trí trận địa trên các đỉnh cao núi Phước Tường, Hải Vân, Sơn Trà nhằm bảo vệ các sân bay ở Đà Nẵng.

Ngày 8.3.1965, 3500 lính thủ đánh bộ thuộc Lữ đoàn 9, Sư đoàn 3 lính thủ đánh bộ đổ vào Đà Nẵng. Tiếp đến, sư đoàn 1 lính thủ đánh bộ và các đơn vị Hải- Lục-Không quân, cùng các phương tiện kỷ thuật chiến tranh ồ ạt đổ vào, xây dựng Đà Nẵng thành căn cứ liên hợp quân sự lớn nhất miền Trung.

Điện Bàn nói chung, các địa phương vùng đông nói riêng chỉ cách Đà Nẵng 20km về phía Bắc, là mảnh đất có truyền thống cách mạng kiên cường, có lịch sử văn hóa lâu đời, là căn cứ, bàn đạp quan trọng để tiến công vào Chi khu Điện Bàn, xuống tiểu khu Quảng Nam ở Hội An và ra Đà Nẵng, do đó, Mỹ - Ngụy muốn phòng thủ bảo vệ Đà Nẵng chúng phải huy động mọi lực lượng và phương tiện để đánh phá, dồn dân, chiếm đất, xây đồn, lập các tuyến phòng ngự bảo vệ mặt phía Nam Đà Nẵng. Trước tình hình đó Tỉnh ủy Quảng Đà quyết thực hiện ba bám, đẩy mạnh phong trào chiến tranh du kích và làm công tác tư tưởng cho cán bộ, chiến sĩ, nhân dân luôn kiên định mục tiêu cách mạng, quyết tâm đánh Mỹ đến hơi thở cuối cùng.

Hội nghị lần thứ 11 của BCH TW Đảng (khóa 3) tháng 3 năm 1965 xác định: Mỹ vào không ngoài dự kiến của ta, do đó nhiệm vụ trước mắt của ta là tiếp tục kìm chế và thắng địch trong chiến tranh đặc biệt, đồng thời sẵn sàng và quyết thắng cuộc chiến tranh cục bộ ở miền Nam. Lúc này, Điện Bàn gặp nhiều khó khăn, đồng bào trụ bám ở các địa phương bị quân Mỹ, quân Nam Triều Tiên và quân ngụy càn quét, chà đi xát lại, khủng bố rất khốc liệt. Địch liên tiếp gây ra những vụ khủng bố tàn sát đẩm máu như: Thủy Bồ, La Thọ, Điện Thọ, Phi Phú Điện Quang.

Riêng các địa phương vùng đông, ngày 17/7/1967, các đơn vị thuộc Lữ đoàn Rồng Xanh (Nam Triều Tiên) bắt đầu tung lực lượng ra càn quét, đánh phá các địa bàn chung quanh, xây dựng nhiều chốt điểm từ Điện Dương lên Cồn Ba Cây, Trảng Chanh, Lai Nghi, Cồn Lài, Gò Hống, Phong Hồ, Kiểm Lu, Riêng Điện Nam (nay thuộc Phường Điện Nam Bắc), Điện Trung (nay là phường Điện Nam Trung), Điện Phương (nay là phường Điện Nam Đông) có 11 chốt điểm, chúng còn huy động lực lượng, phương tiện mở đường từ Điện Ngọc qua Điện Nam, xuống Cẩm Hà.

Đa – vit – An – bơc – tơn viết trong cuốn sách:“Ngập ngừng giữa bùn lầy” xuất bản ở Mỹ năm 1967:“Chúng ta (Mỹ) đến đây (Đà Nẵng) là để dạy cho họ giết cộng sản, họ giết chưa đủ, chúng ta (Mỹ) dạy cho họ giết nhiều hơn nữa”.

Tướng Pos tơn, chỉ huy quân Mỹ ở Đà Nẵng khi ra lệnh cho thuộc hạ nói: “Hãy tìm cho ra những kẻ chống lại và biến chúng thành những xác chết. Tôi muốn thấy tay chân của chúng bay lên trời” (Lịch  sử đấu tranh cáh mạng của Đảng bộ và nhân dân Điện Nam 1930-1975 – tr 146, 147)

Vào ngày 24 tháng 2 năm 1949, lính Pháp từ Vĩnh Điện đi càn và dò tìm hầm bí mật,khi phát hiện một hầm có ngườitại nhà ông Lê Văn Bồi, Lính Pháp chuẩn bị khui hầm thì đồng chí Nguyễn Thanh Kịch, Bùi Diện... thoát ra chạy đến nhà ông Nguyễn Bồi, các đồng chí nấp tại giếng phía sau nhà. Khi giặc Pháp tiến đến, thấy trong nhà ông Bồi có đông người và hỏi có ai chạy vào trốn không, nhưng không ai khai báo, chúng liền cầm súng bắn xả vào mười người đang có mặt tại đây. Chưa hả cơn giận, chúng châm lửa đốt nhà, làm những người chết bị cháy sạm đen. Khi im tiếng súng nhân dân trong làng mới chạy về đưa người thân đem chôn cất.

Đau thương, uất hận nhưng với truyền thống yêu nước, nhân dân Điện Nam đã đoàn kết, khi có kẻ thù xâm lược mọi người luôn vững vàng ý chí, chiến đấu kiên cường bất khuất, người trước ngã, người sau tiến lên. Quyết bám đất quê hương, “một tất không đi, một ly không rời”.

 Địch cày ủi, xúc tác, dùng mọi âm mưu thủ đoạn hết sức thâm độc, tàn ác như đốt nhà, cướp của, đánh đập, tra tấn, bắn giết người dân vô tội nhằm tiêu diệt tinh thần yêu nước, truyền thống đoàn kết của nhân dân, nhưng hành động man rợ của kẻ thù không làm lung lây tinh thần, ý chí quyết tâm chiến đấu vì độc lập tự do của tổ quốc, vì cuộc sống bình an, ấm no, hạnh phúc của toàn dân.

Vào tháng 9 năm 1967 (nhằm ngày Mùng 4 tháng 8 năm 1967 âm lịch), một Trung đội lính Mỹ từ đồn Lai Nghi đi qua Điện Phương (Điện Nam Đông) – Điện Trung (Điện Nam Trung, đến vị trí giữa ranh giới Điện Trung(Điện Nam Trung, Điện Phương (Điện Nam Đông), bọn chúng đi ngược về hướng Tây đến miếu Tam Vị của Điện Nam Bắc, rồi đi dọc theo nhà ông Võ Quanh đến nhà ông Võ Danh, nơi đây có địa hình hiểm trở, hướng Tây giáp cánh đồng rộng, hướng Đông là rừng cây sơn làng Bình Ninh (trong kháng chiến gọi là thôn 3) nên đã chọn làm điểm trú quân, từ 7giờ sáng cho đến 12giờ trưa, lính Mỹ chỉ tập trung ở đây không động tĩnh.

Để đối phó với lính Mỹ, đồng chí Phan Ngọc Trúc (Xã đội) chỉ huy, tập trung lượng lực vũ trang gồm một tiểu đội A3 và đồng chí Nguyễn Đức Đáng (còn gọi là Tám), trinh sát Mặt trận 44 Quảng Đà về công tác phối hợp tác chiến. Anh em phục kích trong rãnh mương từ nhà ông Bùi Kiết đến nhà ông Nguyễn Thanh Cưởng.

Ông Nguyễn Đức Bích, một trong những thành viên trong tiểu đội A3 kể:“Do địa hình hiểm trở không tiếp cận được địch, nên qua 12 giờ, anh em ai về nhà nấy ăn trưa, ăn xong, chỉ có hai đồng chí du kích trở lại vị trí cũ tại mương, lúc này chưa có ai đến. Hai anh em mới bàn nhau tìm cách quan sát tình hình địch, chọn gò đất cao tại lùm cây sơn làng Bình Ninh, do chăn trâu đắp, để hằng năm tổ chức Hội Mục Đồng. Từ nhà ông Hân bò thẳng lên gò, quan sát tình hình địch. Do gò cách nơi địch đóng quân chỉ hơn 100m nên nhìn thấy rất rõ. Lúc này có vài tên lính Mỹ nhốn nháo, sau chúng đứng hết dậy, có lẽ lính Mỹ chuẩn bị đi hành quân, chúng đi thẳng về phía Ông Gò, nơi hai đồng chí đang nấp quan sát trên đó. Một đồng chí định bắn, nhưng đ/c kia can và bảo từ từ. Khi giặc đi ra khỏi cổng nhà ông Danh, một tên, rồi hai tên..., tổng cộng có năm tên đi trước. Bàn nhau chớp nhoáng, không bắn chết năm thằng này, nó chiếm được Gò thì anh em khó thoát. Qui định giặc đến cụng đầu súng mới bắn, một đồng chí xuống sát đầu Ông Gò bắn ba thằng đi trước, còn một đồng chí phải diệt bằng được hai thằng đi sau mới rút. Khi bọn giặc đã vào đến đầu súng đồng chí sát đầu Ông Gò phát hỏa bắn ba tên gục tại chỗ, còn đồng chí kia bắn chết hai tên đi sau. Bị  phục kích bất ngờ địch không kịp trở tay. Lợi dụng lưng đất Ông Gò hai đồng chí đã rút lui an toàn, về lại vị trí tác chiến cũ. Nghe tiếng súng nổ, một số anh em cũng đã có mặt tại địa điểm mương Cường. Khi nghe hai đồng chí kể lại sự việc, đồng chí Trúc chỉ định tất cả anh em phải tập trung tại mương để nghe ngóng tình hình và đối phó với địch, nhưng không thấy lính Mỹ động tĩnh gì. Đến khoảng hơn 13 giờ, địch cho máy bay vào chở xác, Du kích đã bắn không cho hạ cánh, chúng bay về, một lúc sau lại đến, nhiều lần vào nhưng vẫn không  được, khoảng 16 giờ cùng ngày, địch cho ba chiếc xe tăng từ Vĩnh Điện kéo ra, khói bụi mù mịt, yểm trợ. Không có súng chống tăng, nên các đồng chí đành phải rút về tuyến sau. Khi giặc tiến đến nhà ông Trần Chỉnh, nơi đây đang có 18 người tập trung, do nhà ông Chỉnh có một hầm chìm và một hầm nổi tránh đạn rất kiên cố, có thể chứa từ 30 đến 40 người, nên những người dân bám trụ khi có địch thường chạy đến tập trung ở đây để trú ẩn. Chúng lăm le súng bước thẳng vô nhà. Ông Hứa Đạt là người già nhất, ông đoán có điều không lành, nên bước ra hiên, ngăn Lính Mỹ và dùng lời lẽ giải thích, nhưng vẫn không lay chuyển được sự hung hăng và tức tối của những tên lính Mỹ. Thấy tình hình không ổn, ông quỳ gối van xin họ đừng hại dân lành, nhưng tên lính Mỹ đã đẩy ông ra và bắn ông chết trước hiên. Chúng xông vào nhà dùng súng R 15, giăng M12 bắn xả vào 18 người có mặt tại đây.”

Chỉ một động tác quét súng ngang của những tên lính Mỹ, mà 16 người dân Bình Ninh đã không còn mạng sống. Bà Nguyễn Thị Thìn (60 tuổi), bị chúng bắn bay đầu.

Bà Đặng Thị Tỵ có người chết trong vụ thảm sát kể: “Lúc đó, tôi làm công tác Phụ nữ, là Hội phó, đang đi học lớp bồi dưỡng tại Bình Đào (Thăng Bình), mới về đến Điện Nam Trung, thì nghe mọi người nói rằng gia đình tôi đã bị lính Mỹ tàn sát hết rồi, tôi choáng váng không đứng vững, tim đau thắt không thở được. Chị tôi là Đặng Thị Thôi đang mang thai, nhưng chúng vẫn bắn xả, hai tay bà vẫn còn ôm chặt ba đứa con là Lê Văn Ba (2 tuổi), Lê Thị Thu (5 tuổi), Lê Văn Phong 3 tuổi) cũng cùng chết chung trong biển máu”.

Trong số 18 người đó, có hai người may mắn được sống sót là bà Hứa Thị Mau, do nấp sau bàn thờ nên chỉ bị thương, bà Nguyễn Thị Thới bị những người chết ngã đè lên, trên mình đầy vết thương đạn. Khi chúng rút đi, mọi người mới đưa hai bà đi bệnh viện Đà Nẵng cấp cứu.

Xác người chết được Ban đấu tranh Chính trị, Binh vận đưa lên Vĩnh Điện, đặt trên đường để đấu tranh với bọn lính ở đồn Thanh Quýt, nhưng chúng cho quân ra khối phốg báo: nếu không đem về chôn, chúng sẽ hất xuống ruộng hoặc xuống Giếng Trời Đào, nên nhân dân phải cho đem xác về chôn cất tại vườn Chùa. Sau ngày giải phóng, thân nhân những người bị tàn sát đã lần lượt đem người thân của mình về nghĩa địa chôn cất theo phần đất mộ của gia tộc. Và mảnh đất này, hiện nay đã được cải tạo thành đất màu để nhân dân canh tác.

Mặc dù địch gây nên bao cảnh đau thương tan tóc, nhưng người dân vẫn một lòng theo Đảng, cách mạng, trụ bám vừa sản xuất vừa cùng với cán bộ, du kích bám đánh địch, làm chủ địa bàn. Còn một số nhân dân đi sơ tán ở chung quanh vẫn tìm cách liên lạc với bộ đội, du kích, ban ngày về ruộng vườn cũ để sản xuất, bắt liên lạc với cán bộ, du kích, ban đêm về lại nơi sơ tán ăn ngủ, nhiều gia đình tham gia hoạt động bí mật trong vùng địch, như cung cấp tình hình địch, đóng góp lương thực thực phẩm, thuốc men, nuôi dưỡng bộ đội, du kích, bảo đảm cho các hoạt động phục vụ chiến đấu, phát triển liên tục và thắng lợi, góp phần đánh bại chiến tranh cục bộ của Mỹ - Ngụy.

Vụ thảm sát 16 người dân khối phố Bình Ninh nằm trong khu dân cư, phần đất nhà ông Trần Chỉnh. Sau ngày quê hương được giải phóng, nhân dân trở về vườn nhà cũ làm ăn sinh sống. Gia đình ông Chỉnh không dựng nhà trên nền cũ mà xây dịch về phía trước. Tại phía Nam của khu vườn, gia đình lập một khóm, thờ vong linh những người đã bị thảm sát. Còn nền móng nhà cũ, diện tích khoảng 30m2, gia đình dùng trồng chuối. Khóm thờ có kích thước 0,5m x 0,5m, cao 0,6m, được đặt trên một trụ bê tông cao 1,2m. trong khóm có hai chân đèn và một nồi hương.

Hằng năm, đến ngày đại giỗ, trong nhà những gia đình có nạn nhân bị thảm sát tại khối phố Bình Ninh khói hương nghi ngút. Riêng tại khóm thờ, vào ngày xảy ra vụ thảm sát, hay ngày rằm tháng 4, tháng 10, lễ, tết, người nhà ông Trần Chỉnh có một mâm lễ gồm trái cây, hương hoa cúng vong linh những người đã khuất, thân nhân những người chết ở đây cũng đến thắp nén nhang cầu cho người thân của mình được siêu thoát. Hiện nay UBND phường Điện Nam Bắc đã khoanh vùng, bảo vệ di tích: Địa điểm diễn ra vụ lính Mỹ thảm sát 16 người dân tại khối phố Bình Ninh, với tổng diện tích 500m2.

Các bậc lão thành cách mạng, những người có thân nhân bị thảm ở đây và nhân dân khối phố Bình Ninh, có nguyện vọng đóng góp cùng với Nhà nước xây dựng nơi đây một bia chiến tích để khắc ghi tội ác của lính Mỹ thảm sát 16 người dân khối phố Bình ninh và 10 người bị lính Pháp sát hại tại nhà ông Bồi. Sau khi được công nhận di tích cấp tỉnh, UBND phường Điện Nam Bắc giao cho Đoàn phường phối hợp với Đoàn trường tổ chức cho học sinh tham quan, tìm hiểu lịch sử, chăm sóc, bảo vệ di tích, theo chương trình ‘‘trường học thân thiện, học sinh tích cực’’ để các em hiểu thêm về lịch sử địa phương mình. Nơi đây sẽ là địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống yêu nước cho thế hệ trẻ và hương khói những người đã khuất.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Thăm dò ý kiến
Nội dung thông tin cung cấp trên cổng thông tin điện tử:
Video Clip