• :
  • :
Phần mềm ứng dụng
Thư viện ảnh
Thống kê truy cập
Hôm nay : 11
Hôm qua : 15
Tháng 09 : 211
Tháng trước : 513
Năm 2024 : 936
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Di tích lịch sử cách mạng cấp tỉnh: Cây da dù, Phường Điện Dương.

1. Tên di tích:Cây da dù, Phường Điện Dương.

2. Loại di tích: Lịch sử cách mạng.

3. Quyết định: Đã được UBND Tỉnh Quảng Nam xếp hạng di tích lịch sử cách mạng cấp tỉnh theo quyết định Số440/QĐ-UB ngày 15/02/2005.

4. Địa chỉ di tích:Khối phố Phong Nhị, Phường Điện An, Thị xã Điện Bàn.

5. Tóm lược khối phốg tin về di tích:

Di tích Cây Da Dù thuộc khối phố Phong Nhị, xã Điện An, thị xã Điện Bàn, Tỉnh Quảng Nam, có diện tích bảo vệ di tích là 1.663m2.

Mùa xuân 1968, từng đoàn người nôn nóng quay về vườn cũ, thắp nén nhang tưởng nhớ ông bà. Không khí tết dường như chùng xuống, những lời thầm thì: “Sẽ ác liệt lắm đây” vang vọng đến từng ngôi nhà. Ngày tết mà trên các nẻo đường Phong Nhất, Phong Nhị (Điện An) dường như vắng ngắt. thanh niên đi đâu hết, chỉ có ông bà già, phụ nữ và trẻ em đêm đêm nghe ngóng tiếng súng từ trục lộ Bắc Nam chạy qua xã. Không biết tự khi nào, đoạn đường từ cầu Thanh Quýt (Điện Thắng) đến cầu Giáp Ba (Điện An) được thay bằng cái tên rùng rợn:”Đường giảm thọ”, bởi chồng chất những xác người chôn vội hai bên lề. Một sự yên lặng đáng sợ bao trùm lên thôn xóm, người người nhắc nhau:Hãy ráng giữ mình để sống cùng quê cha đất tổ...”

Ngày 12 tháng Giêng năm Mậu Thân (1968), từ tờ mờ sáng, tiếng súng đã dội vào khối phố Phong Nhị, từng loạt đạn đe dọa... Ngày 13, một tốp lính Nam Triều Tiên lùng sục quanh khối phố Phong Nhị. Rồi tốp lính bỏ đi, để lại những tiếng thở dài lo ngại. Suốt cả ngày hôm ấy, tuyệt nhiên yên lặng.

Tại xóm Lập Namkhối phố Phong Nhị, 8 giờ sáng 14 tháng Giêng năm Mậu Thân (1968): Một ngày mới với sự tịch mịch khác thường, sau đó ở đầu xóm tiếng súng đạn khua ngoài quốc lộ. Bà Trì la lên “Bọn Đại Hàn lên đó bà con ơi !”. Rồi níu tay bà Được chạy vào. Ngoài quốc lộ 1, đoạn gần cầu Giáp Ba, khoảng chừng một đại đội lính Nam Triều Tiên (thuộc Lữ đoàn Thanh Long, đóng tại Hội An) đang dàn quân. Lấy cây Da Dù làm điểm xuất phát, bọn lính càn vào xóm Lập Nam cách đó 100m về hướng Tây. Tiếng súng tiểu liên, trung liên từng loạt cùng tiếng la hét của bọn lính. Những người dân hoảng sợ cuống cuồng chạy chụm vào nhau. Bà Được vừa chạy đến đầu ngõ, không thấy cậu bé Chờ đâu cả, bà hớt hãi chạy ra đồng. Vừa đến đám ruộng của bà Phan Thị Ngữ một loạt đạn làm bà ngã sấp xuống. Bà nghe đau nhói ở sườn và bắp vế phải, lại nghe tiếng la hét cùng bước chân người lội ào ào xuống ruộng ở phía sau, bà gượng lên định chạy tiếp thì hàng loạt đạn vang lên, những tiếng rú thảm thiết cùng những thân người đổ ầm lên người bà Được. Máu loang đỏ cả ruộng, mắt bà Được hoa cả lên...

Bà Trì cùng chồng và ba con núp vào hầm nổi, nhìn ra thấy bà Được cùng đám người bị bắn té nhào xuống đám ruộng, lại có tiếng giày khua cùng tiếng la hét ngoài ngõ. Bà níu chồng (ông Nguyễn Phường- sinh năm 1929) dắt ba con chạy băng qua lối sau. Đến cầu ao nhà bà Huệ, ông Phường khựng lại bị một loạt vào chân. Bà Trì nhào đến “ông Phường, ông Phường” và cùng đổ rầm vào người ông. Bà Trần Thị Trách, Nguyễn Thị Cận, Đỗ Thị Cái, Lê Dung, Lê Đình Củng...cũng từ đâu chạy gom lại. Tiếng súng tiểu liên, trung liên nả liên hồi, những xác người nhào cả xuống ao, có tiếng khóc thét phía sau, ông Phường trườn người dậy; 2 con đã chết. Nhà ông Phan Lường ở sâu trong xóm nghe tiếng la thất thanh cùng tiếng súng, ông dắt vợ cùng 6 con quáng quàng chui xuống hầm. Gia đình ông dắt díu băng vườn sau, ngay trước thềm nhà ông Nghệ, xác ông Nguyễn Nghệ, Nguyễn Gừng, bà Thân Thị Lý, Trịnh Thị An cùng bé Hòa (lên 5), bé Thuận (lên 2) đổ chùm vào nhau, nghi ngút, bốc khói. Bà An Nằm ngữa, bé Thuận nằm úp lên, hai tay vẫn còn thò vào vú mẹ. Ông Lường lôi vợ con chui qua rào tre chạy ào vào sân nhà bà Được. Con trâu buông mũi chận ngang ngõ, xác bé Trịnh Chờ nằm sấp trước mũi con trâu. Ông Lường choáng cả người, kéo vợ con chạy vội vào nhà chúi mủi người xuống  gầm giường. Một tốp lính Nam Triều Tiên lục sục kéo đến tiếng giày khua lộp cộp, tiếng súng lách cách, con trâu cúi gầm đầu xuống, miệng thở phì phì. Tốp lính xì xồ, tiếng đạn răng rắc, con trâu vẫn gằm gằm cái đầu, có tiếng người la hét bên kia bờ dậu, tốp lính quay súng ào sang...

10giờ, cả xóm Lập Nam chìm trong máu và lửa, rơm rạ, phên dậu cùng da thịt người ngùn ngụt bốc khói...Tại Phong Nhất- cách Lập Nam một con mương lớn và khoảng 100m đường ruộng:Nghe tiếng súng dồn dập cùng khói lửa nghi ngút dưới xóm Lập Nam, bà con Phong Nhất nhốn nháo cả lên. Mọi người tản ra, ai về nhà nấy, nơm nớp nhìn xuống Lập Nam. 10 giờ 30 phút, những chiếc mũ sắt tràn qua con mương, lội ào lên đám ruộng. Chúng xông vào nhà Nguyễn Dân, bà Cam lấy thân ép chặt ba con vào góc hầm. Một trái, hai trái... lựu đạn tung vào, căn hầm bùng lửa nghi ngút. Xác người mẹ bị cháy sém nhưng vẫn còn nguyên tư thế khom người che chở cho con.

Đến 3 giờ chiều, 61 xác người cùng 17 người bị thương được quy tập lại. Có mấy người ở Phong Nhất, Phong Nhị theo lính nghĩa quân cùng kéo lên, nhìn xác người thân bị cháy đen, dầm nước, cụt đầu, đứt chân... cứ đứng lặng chẳng nói được gì. Bà con sống sót, phẫn uất, hô hào đem xác người xuống đồn Kiểm Lu đòi đền mạng. Nhà cửa cháy sạch trụi, không đủ chăn, võng để khiêng, bà con bỏ xác trẻ em vào thúng, mũng, xác người lớn vào nong, kẻ khiêng, người gồng gánh... kéo cả xuống đồn. Tuy lính đóng cửa đồn không cho vào, bà con đặt xác người nằm dọc trục lộ, máu tanh, da thịt người bốc lên khét ngẹt. Nhượng bộ, lính trong đồn chịu cung cấp ván, vải có thể chôn được xác người. Người chết đã được chôn nhưng nỗi ám ảnh kinh hòang cùng những tang thương vẫn âm ĩ trong lòng người dân Điện An.

Năm 2001, các bạn trẻ Hàn Quốc thuộc tổ chức nhân đạo Nawauri đã đến Điện Bàn thăm hỏi gia đình các nận nhân bị sát hại, đồng thời quyên góp xây dựng nhà bia tưởng niệm 74 nạn nhân trong vụ thảm sát này. Từ đó đến nay, hằng năm, vào dịp tết và ngày 14 tháng Giêng, các tổ chức của Hàn Quốc và Việt Nam đến cây da dù thắp hương và dâng hoa để tưởng nhớ đến những người đã bị giết.

Theo như lời chị Noh Un Hee - Trưởng đại diện của tổ chức Nawauri: "Việc ghi nhớ lịch sử đau buồn đã xảy ra tại làng Phong Nhị và an ủi phần nào vong linh những người quá cố là nguyện vọng của tất cả chúng tôi trong việc sám hối trước quá khứ đầy bạo lực, nhằm dựng nên một trang sử hòa bình mới. Qua những bài học mà thôn Phong Nhị để lại, chúng tôi sẽ cố gắng hết sức để phản đối chiến tranh và gìn giữ nền hòa bình quý giá này".

Trong những năm qua, cùng với tổ chức Nawauri và nhiều hoạt động xã hội khác đã cho thấy sự bứt rứt của lương tâm, sự cầu thị trong việc xoa dịu nỗi đau chiến tranh của người dân, các tổ chức và chính quyền Hàn Quốc.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Thăm dò ý kiến
Nội dung thông tin cung cấp trên cổng thông tin điện tử:
Video Clip