• :
  • :
Phần mềm ứng dụng
Thư viện ảnh
Thống kê truy cập
Hôm nay : 11
Hôm qua : 15
Tháng 09 : 211
Tháng trước : 513
Năm 2024 : 936
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

DI TÍCH LỊCH SỬ VĂN HÓA CẤP TỈNH ĐÌNH LÀNG BẢO AN, XÃ ĐIỆN QUANG

1. Tên di tích: Đình Làng Bảo An

2. Loại di tích: Lịch sử văn hóa

3. Quyết định: Đình Làng Bảo An đã được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh vào năm 2003 theo quyết định Số: 1648/QĐ-UBND của Uỷ ban nhân dân Tỉnh Quảng Nam.

4. Địa chỉ di tích: Thôn Bảo An, Xã Điện Quang, Thị xã Điện Bàn.

5. Tóm lược thông tin về di tích:

Đình làng được xây dựng để thờ thành hoàng, người có công khai khẩn đất đai, chống chọi với thiên nhiên, thú dữ để bảo vệ dân làng, hoặc có công đánh giặc giữ nước...Cũng như bao làng khác, làng Bảo An cũng có một ngôi đình như thế, nhưng qua những thăm trầm của lịch sử, thiên nhiên khắc nghiệt, ngôi đình đã nhiều lần bị phá huỷ. Năm 2011-2012, nhân dân làng Bảo An đã vận động những người con xa quê, những tấm lòng hão tâm và bà con dân làng tự nguyện đóng góp, công trình đã hoàn thành.

Đình Bảo An thuộc thôn Bảo An Đông và Bảo An Tây, xã Điện Quang, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam được nhân dân xây dựng vào khoảng đầu thế kỷ XVI, năm Nhâm Ngọ (1702). Mặt đình hướng về phía Bắc, nhìn ra sông Thu Bồn, là nơi thờ cúng, tri ân các bậc tiền nhân và tổ tiên các dòng họ: Phan, Nguyễn, Ngô,Thái, Phạm, Phan Chi, Lương, Lê, Huỳnh, Phạm Viết, Trần... và cũng là nơi sinh hoạt, tế lễ của làng Bảo An.

Theo lời kể của các cụ cao niên, đình Bảo An xưa được dựng theo kiểu truyền thống 5 gian, 2 chái, phía trong có 1 hậu tẩm, vật liệu làm bằng gỗ tốt, lợp ngói âm dương. Trải qua thiên tai, chiến tranh tàn phá, đình Bảo An đã nhiều lần bị phá hủy và phục dựng lại. Năm Bính Ngọ (1846), đình bị phá hủy hoàn toàn, người dân Bảo An vận động nhân dân góp công, góp của để xây lại ngôi đình, đến năm Mậu Thân (1848) thì hoàn thành. Đình được dựng trên nền cũ, ở trung tâm của làng với diện tích khuôn viên đình 4000m2, nhưng mặt đình lại xoay về hướng Nam, nhìn ra trục đường công thương liên xã, thuận tiện việc đi lại. Cột đình to, một người ôm không xuể, đến nay những tán cột đình cũ vẫn còn lưu giữ tại sân đình. Kèo tránh đều chạm rồng ngậm ngọc. Nội điện chính giữa thờ thần, phía trước bái đường chia làm năm gian, có một bàn án sơn son thiếp vàng, cao khoảng 1,6m, chạm trổ hình công phu, có cặp hạc cao quá đầu chầu hai bên, bộ tam sự đồng to lớn sáng loáng. Hai gian phía Tây của đình thuộc làng Tây, hai gian phía Đông của đình thuộc làng Đông. Bên Tả, Hữu đều có bàn thờ thờ vọng các ngài tiền hiền, hậu hiền có công với làng. Phía trước là tiền đường, mỗi làng có một bộ ván bằng gỗ mù u, gồm hai tấm với kích thước 4m x 1,3m để cho hai vị tiên chỉ làng Đông và làng Tây ngồi, còn quan viên cấp thấp thì ngồi trên chiếu bông trải dưới sàn đình; Lý trưởng, Hương chức, Lão nhiêu được ngồi hai bên vệ vôi gần tường đình. Phía trước đình có bình phong lớn, trụ biểu, tường hoa bao bọc chung quanh. Trên trụ biển có cặp câu đối:

Bảo ngã lê dân, tam xã phồn xương Diên Phước chỉ

An như bàn thạch, song giang hoàn nhiễu hộ thần cư

Tạm dịch:

Hãy giúp dân ta, ba xã giàu sang Diên Phước ở

Vững như tảng đá, đôi sông ôm kín giữ gìn nơi

(Bảo An Đất và Người –NXB Đà Nẵng-1999)

Từ sau khi giặc Pháp nổ súng vào Đà Nẵng (1858), qua các phong trào yêu nước cách mạng từ Nghĩa Hội, Duy Tân, Việt Nam Quang phục hội, nhất là từ khi có Đảng cộng sản lãnh đạo (1930) trải qua các cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, làng Bảo An nói chung và đình làng Bảo An nói riêng chịu nhiều tổn thất to lớn. Sau ngày 9/3/1945 Nhật đảo chính Pháp, tại đình Bảo An lãnh đạo Mặt trận Việt Minh đến tuyên truyền và vận động cách mạng. Cuối tháng 5 năm 1945, Bà Lê Thị Xuyến, vợ cố dân biểu Phan Thanh từ Hà Nội về Bảo An, mang theo nhiều tài liệu của mặt trận Việt Minh, các báo tiến bộ, giao cho Phan Nhụy quản lý. Ông tập họp một nhóm ba, bốn thanh niên làm nhiệm vụ sao chép tài liệu để phân phát đi khắp nơi.

Ngày 14 tháng 8 năm 1945 Mặt trận Việt Minh được thành lập và ra mắt nhân dân tại đình làng, từ đó đình trở thành cơ quan làm việc của lãnh đạo Việt Minh xã, thành lập Đoàn thanh niên Phan Anh xã. Cùng với không khí của cả tỉnh, thị xã ngày 17,18/8/1945 nhân dân tập trung về đình chuẩn bị lực lượng, gậy gộc, giáo mác để cướp chính quyền.

Ngày 19/8/1945 Ủy ban hành chính kháng chiến được thành lập và ra mắt. Nhiều sự kiện được tổ chức tại sân đình “tuần lễ vàng”, mitting kêu gọi toàn dân kháng chiến kiến quốc, phong trào bình dân học vụ, hủ gạo kháng chiến. Ông Trần Tống, 1 trong 14 ứng cử viên do Mặt trận Việt Minh tỉnh Quảng Nam giới thiệu đến đây để phát biểu tuyên truyền cổ động cho việc tổng tuyển cử bầu Quốc hội. Cũng tại đình làng, Ủy ban hành chính kháng chiến tỉnh Quảng Nam đã tổ chức phiên tòa xét xử bọn làm bạc giả và in truyền đơn chống Chính phủ do ông Phạm Phú Tiết làm chánh án chủ tọa phiên tòa.

Từ năm 1946 đến đầu năm 1947, đình Bảo An đã trở thành bệnh viện tiền phương của Mặt trận Quảng Nam – Đà Nẵng do bác sĩ Trần Đình Nam làm Phó trưởng bệnh viện, Bác sĩ Lê Đình Thám làm Trưởng bệnh viện. Cụ Huỳnh Thúc Kháng - Quyền Chủ tịch nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, Đặc phái viên của Chính phủ kinh lý các tỉnh miền Nam Trung bộ đã thăm, thương bệnh binh, thầy thuốc bệnh viện tiền phương của Mặt trận Quảng Nam – Đà Nẵng.

Tháng 4 năm 1947, giặc Pháp tấn công vào Gò Nổi, xây dựng đồn Xuân Đài – Văn Ly – Phi Phú, chúng ngang nhiên tháo dỡ đình làm vật liệu để xây dựng đồn. Sau khi hòa bình lập lại vào năm 1954 nhân dân tiếp tục khôi phục lại, tuy không bằng ngôi đình cũ nhưng cũng có nơi thờ phụng tiền nhân.

Năm 1957 – 1963, ngôi đình Bảo An lại bị chính quyền Ngô Đình Diệm dùng làm nơi tố cộng. Đồng chí Phan Niên, nguyên Thị xã ủy viên, trưởng An ninh thị xã, Giám thị trưởng trại giam An Điềm, đã về hoạt động tại đình cùng đồng chí Nguyễn Đình Khất, Phan Xuân Phát .Từ năm 1965-1967, đình là nơi in ấn tài liệu, báo chí tuyên truyền của cơ quan Tuyên giáo Thành ủy thành phố Đà Nẵng do ông Nguyễn Đình An, ông Nguyễn Lâm lãnh đạo. Sau năm 1967, Mỹ đánh bom làm sụp đổ hoàn toàn đình, cán bộ và du kích của thôn tận dụng vật liệu gỗ nát để làm hầm trú ẩn và nuôi dấu cán bộ, bộ đội cho đến khi nước nhà thống nhất.

Hằng năm, tại đình làng thường diễn ra lễ tế kỳ yên (lễ cầu an): cầu cho mưa thuận gió hòa, nhân dân làm ăn yên ổn, không xảy ra thiên tai dịch bệnh. Lễ bắt đầu ở đình từ chiều 12 tháng Giêng Âm Lịch và kéo dài qua ngày 13 mới chấm dứt. Vào chiều 12 cờ xí được trần thiết từ ngoài cổng đình vào trong sân. Trong đình, các ngai thờ được trang hoàng. Các quan viên, chức sắc và những người lo việc tế lễ đều tề tựu đông đủ. Vào 14 gìơ chiều đoàn người đến rước sắc tại chùa làng, miếu ngũ hành , miếu âm linh, và nhà thủ sắc của làng về tại đình. Sau khi rước sắc về đình, lễ trần thiết và lễ nghinh thần được cử hành cùng một giờ. Lễ điện tế vào khoản 1 giờ khuya ngày 13. Lễ vật gồm hoa quả, heo bò được mổ thịt trong đêm, trước khi mổ, người đồ tể đưa những con vật lên trước đình cáo yết. Trong lễ tế này già trẻ gái trai đều được xem tế lễ, và có các trò diễn ra trong sân đình.

Sau ngày đất nước thống nước, nhân dân làng Bảo An bắt tay vào công cuộc xây dựng và phát triển quê hương, tuy nhiên, việc tôn tạo lại ngôi đình vẫn gặp nhiều khó khăn. Đến nay, sau hơn hai năm vận động, nhân dân làng Bảo An cùng bà con xa quê đã tự nguyện đóng góp được hơn hai tỷ đồng, xây dựng lại ngôi đình uy nghiêm, bề thế để thờ tự, giáo dục truyền thống hiếu học, dựng nước và giữ nước của cha ông.

Đình Làng Bảo An đã được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh vào năm 2003 theo quyết định Số: 1648/QĐ-UBND của Uỷ ban nhân dân Tỉnh Quảng Nam.

(Theo http://dienban.gov.vn)


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Thăm dò ý kiến
Nội dung thông tin cung cấp trên cổng thông tin điện tử:
Video Clip