• :
  • :
Phần mềm ứng dụng
Thư viện ảnh
Thống kê truy cập
Hôm nay : 9
Hôm qua : 15
Tháng 09 : 209
Tháng trước : 513
Năm 2024 : 934
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

DI TÍCH LỊCH SỬ VĂN HÓA CẤP TỈNH: ĐÌNH LÀNG ĐÔNG BÀN, XÃ ĐIỆN TRUNG

1. Tên di tích: Đình Làng Đông Bàn.

2. Loại di tích: Lịch sử văn hóa

3. Quyết định: Đình Làng Đông Bàn đã được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh theo quyết định Số:4504/QĐ-UBND ngày 30/12/2008 của UBND Tỉnh Quảng Nam.

4. Địa chỉ di tích:Thôn Nam Hà, Xã Điện Trung, Thị xã Điện Bàn.

5. Tóm lược thông tin về di tích:

Đình Đông Bàn là di tích văn hóa làng, đồng thời là di tích với nhiều sự kiện lịch sử cách mạng: Ngày 1/5/1930 thầy giáo Tụy treo cờ đỏ búa liềm trước sân đình. Ngày 18/8/1946 Ủy ban Việt Minh làng tổ chức mit ting ủng hộ Việt Minh với hàng ngàn người dân tham gia, sau đó cùng dân làng các xã vùng Gò Nổi xuống phủ đường Điện Bàn (La Qua) tham gia giành chính quyền về tay nhân dân. Ngày 6/1/1946 đình làng là địa điểm bầu cử Đại biểu Quốc hội Việt Nam dân chủ cộng hòa khóa đầu tiên. Thời chống Pháp vào năm 1946, đình làng là nơi tạm trú cho bà con nhân dân Đà Nẵng và các xã bắc sông Thu Bồn. Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, đình làng tiếp tục gắn liền với công cuộc đấu tranh giải phóng quê hương, là cơ quan hành chính của chính quyền cách mạng, hoạt động mặt trận, đoàn thể... nơi chứng kiến nhiều đợt tiễn đưa thanh niên làng lên đường tòng quân... Năm 1968 đình làng bị giặc cày ủi chỉ còn nền móng...

Theo sách “Ô Châu cận lục” của Dương Văn An – xuất bản năm 1555 – Làng Đông Bàn là 1 trong 66 xã hiệu được thành lập sớm thuộc phủ Điện Bàn cũ (Triệu Phong, Thuận Hóa).

Như vậy tính từ thời vua Lê Thánh Tông bình Chiêm thắng lợi (1471) cư dân làng Đông Bàn khai cơ lập nghiệp ở đất Gò Nổi (Điện Bàn) đến nay trên 540 năm. Cũng như bao người ra đi từ các xứ Thanh – Nghệ Tĩnh, sau một thời gian khai canh, ổn định nơi ở mới, dân làng Đông Bàn đã đóng góp công của xây dựng đình làng. Đây là một hình thái văn hóa tín ngưỡng truyền thống dân gian, vốn in dấu sâu đậm trong cư dân, nơi dân làng thờ Thành Hoàng, vọng tưởng Tổ tiên, là mái nhà chung, tổ chức các hoạt động hội hè hát bộ, hò khoan đối đáp... vào các dịp lễ, tết...

Ngày xưa làng Đông Bàn có 6 ấp gồm Nam Dương, Tây Hà, Tây Xuyên, Bắc Tân, Đông Hà, Hòa Bình. Cư dân sản xuất lúa, trồng dâu nuôi tằm, trồng mía nấu đường... Người Đông Bàn nổi tiếng hiếu học, giữ gìn phát huy tốt phong tục tập quán, lễ giáo gia phong, đoàn kết xóm giềng tộc họ, Tiến sĩ Phạm Phú Thứ người con tiêu biểu của làng, là danh thần nổi tiếng triều Nguyễn với tư tưởng canh tân, cống hiến cả đời mình cho sự nghiệp vì dân, vì nước. Làng Đông Bàn còn là nơi tọa lạc Văn Từ phủ (còn gọi là Văn Thánh), công trình xây dựng kiên cố bằng vật liệu đá, xi măng, gỗ quý, cột, kèo... chạm trổ hoa văn rất kỳ công, khánh thành năm 1854 (Tự Đức thứ 6). Đây là nơi “thờ kính công cuộc giáo dục”, tưởng nhớ chư tiên liệt đất Quảng Nam đỗ tú tài, cử nhân, tiến sĩ... Trong làng còn có nhiều công trình kiến trúc đẹp khác như Văn Chỉ làng nơi ghi danh các bậc khoa bảng người của làng, nhà thờ Tiền hiền, nhà thờ Tộc, chùa làng... Tất cả làm nên quần thể kiến trúc văn hóa liên hoàn thể hiện tấm lòng của dân làng với cội nguồn và bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp làng quê. Qua chiến tranh, các công trình trên chỉ còn địa danh, nền móng. Riêng giếng nước làng Đông Bàn có niên đại cùng thời với lập làng, xây bằng đá phần dưới mặt đất hình tròn, thành giếng là bốn phiến đá ghép vào bốn trụ đá vững chắc, nên thường gọi giếng Bốn Trụ, nay di tích còn nguyên trạng, nguồn nước trong vắt, ngon ngọt. Một thời gian khá dài sau 1975 nhân dân xóm Hòa Bình, dùng nước giếng nầy để ăn uống sinh hoạt. Từ xưa tới nay vào lễ Kỳ Yên làng có tục lệ rước nước giếng làng về cúng Thành Hoàng và Tổ tiên bách tánh.

Sau ngày quê hương giải phóng (1975), qua mấy lần sáp nhập địa giới xã, nay làng Đông Bàn là 4/6 thôn của xã Điện Trung (thôn Nam Hà 1, Nam Hà 2, Tân Bình 3 và Tân Bình 4). Phát huy truyền thống cách mạng và bản sắc văn hóa truyền thống của quê hương, nhân dân trong làng triển khai thực hiện tốt chủ trương đường lối của Đảng và Nhà nước, đời sống Kinh tế - Văn hóa – Xã hội từng bước ổn định phát triển, an ninh, chính trị trật tự xã hội giữ vững.

Năm 2008, UBND tỉnh Quảng Nam xếp hạng đình làng Đông Bàn Di tích Lịch sử - Văn hóa cấp tỉnh. (Quyết định số 4504/ QĐ-UBND ngày 30/12/2008). Trong niềm phấn khởi ấy, dân làng Đông Bàn đã tích cực tham gia đóng góp công của tôn tạo đình làng đến nay cơ bản hoàn thành.

Ngắm nhìn ngôi đình mới xây dựng lại trên khuôn viên đất vườn đình cũ, mái đình cong vút uy nghi in vẻ đẹp hiền hòa lên nền bầu trời xanh trong buổi sớm mai an lành, mọi người con của làng ở địa phương hay xa quê về đều có chung một cảm nhận tình người - tình quê hương thật vô cùng ấm áp sâu lắng, cảm thấy bao nhiêu công sức đóng góp tùy điều kiện hoàn cảnh của mỗi người đều thật lớn lao và ý nghĩa. Theo nguyện vọng của dân làng, ngôi đình mới được xây dựng nguyên mẫu đình làng xưa với 5 gian 2 chái, các câu liễn đối, chữ nghĩa trong đình cũng được giữ nguyên bản.

Nhân dân làng Đông Bàn cùng với nhân dân xã Điện Trung có nhiều đóng góp to lớn trong công cuộc kháng chiến cứu nước. Hàng trăm người con của làng tham gia kháng chiến, nhiều đồng chí hy sinh cả đời mình cho Tổ quốc, nhiều đồng chí thương binh, bệnh binh. Hàng trăm gia đình Liệt sĩ, gia đình có công cách mạng. Làng có 26 bà mẹ được phong danh hiệu Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, hai Liệt sĩ Nguyễn Trọng Nghĩa, Nguyễn Thị Hồng được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam. Ngày nay hầu hết bà con làng Đông Bàn ở tại quê hương hay sinh sống khắp nơi đều hướng về cội nguồn với bao tâm tình thiết tha sâu sắc và luôn dành mọi sự đóng góp thiết thực xây dựng xã, thôn ngày một tươi đẹp.

Hằng năm, tại Đình làng Đông Bàn, dân làng tổ chức Lễ Kỳ Yên theo cổ lệ và hội làng với nhiều hoạt động sôi nổi như biễu diễn văn nghệ, các trò chơi dân gian, thi đấu bóng chuyền, bóng đá nam, nữ; Thông qua các hoạt động góp phần giáo dục truyền thống quê hương cho thế hệ trẻ và góp phần đẩy mạnh phong trào xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, góp phần xây dựng xã Điện Trung thành xã Nông thôn mới kiểu mẫu.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Thăm dò ý kiến
Nội dung thông tin cung cấp trên cổng thông tin điện tử:
Video Clip