• :
  • :
Phần mềm ứng dụng
Thư viện ảnh
Thống kê truy cập
Hôm nay : 9
Hôm qua : 15
Tháng 09 : 209
Tháng trước : 513
Năm 2024 : 934
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

DI TÍCH LỊCH SỬ VĂN HÓA CẤP TỈNH: ĐÌNH LÃNH ĐÔNG, XÃ ĐIỆN TRUNG

1. Tên di tích: Đình Lãnh Đông.

2. Loại di tích: Lịch sử văn hóa

3. Quyết định: Đình Lãnh Đông đã được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh theo quyết định Số 557/QĐ-UB ngày 08/02/2007của UBND Tỉnh Quảng Nam.

4. Địa chỉ di tích:Thôn Đông Lãnh, Xã Điện Trung, Thị xã Điện Bàn.

5. Tóm lược thông tin về di tích:

Đình Lãnh Đông thuộc thôn Đông Lãnh, xã Điện Trung, thị xã Điện Bàn, Tỉnh Quảng Nam. Diện tích bảo vệ di tích là 1806m2.

Năm 1585, trong đoàn người theo Chúa Nguyễn Hoàng vào Thuận Hóa rồi vào Quảng Nam có các ông họ: Phan, Phạm, Nguyễn, Trần, Đặng, Văn, Đoàn, Lương… tìm đến vùng Gò Nổi ven sông Thu Bồn khai khẩn đất đai lập nghiệp và xã hiệu Bàng Lãnh Đông Châu ra đời từ đó, sau đổi lại thành Lãnh Đông.

Mang theo nét đẹp văn hóa của người Việt, mỗi làng đều có đình làng, cây đa, bến nước lưu giữ hồn thiêng sông núi và thờ Thần Hoàng, thờ các vị Tiền Hiền có công khai cơ lập nghiệp. Nhân dân trong làng đã tự nguyện đóng góp tranh tre làm nên đình làng ( Bàn Lãnh Đông Châu ). Trước đình làng có trồng cây gạo và cây mù u, sau lớn lên thành cây cổ thụ thường gọi cây Đa Bàn Lãnh.

Từ xưa đã có câu ca dao:

                   “ Cây đa mô cao bằng cây đa Bàn Lãnh

                      Đất mô thanh cảnh bằng đất Bảo An”.

Đình làng là nơi hội họp dân làng, là nơi tổ chức các hoạt động văn hóa văn nghệ. Hằng năm, vào ngày mùng 9 tháng Giêng, toàn dân đi tảo mộ âm linh, chiều về tổ chức lễ kỳ yên cầu cho sự bình yên, phát đạt, sau đó tổ chức hát bội, hò vè, đối đáp. Năm 1803, đình làng xây dựng lại khang trang, rộng 5 gian, cột lim, lợp ngói chắc chắn, nền đình cao hơn 1m. Đình có cây gạo và 2 cây mù u gần kề nhau. Cây gạo to 5 người ôm không xuể, ngọn cao trên 50m, 2 cây mù u có bộng to và cành lá xum xuê kín đáo, dưới gốc cây cổ thụ dân làng thường bỏ vỏ hương, bình vôi.

Đầu năm 1947, thực hiện tiêu khổ kháng chiến của UBND tỉnh Quảng Nam, đình làng tạm thời bị phá hủy. Năm 1963, nhân dân đã xây dựng lại đình làng trên nền cũ to đẹp như trước. Những năm 1935-1940 đình làng là nơi hội kiến của tổ chức Đảng đầu tiên vùng này, mẹ Trần Thị Tấn (bà mẹ Việt Nam anh hùng) kể lại: “Dưới gốc cây cổ thụ có rất nhiều vò hương, bình vôi nhân dân đem đến bỏ, ông Phan Bồi, Nguyễn Đình Trân, Phan Bích (Tích), Phan Thanh Thừa, Đặng Văn Thiện đã chọn một vò hương ở gốc cây cổ thụ chỗ kín đáo làm hòm thư liên lạc. Đêm đến thắp hương như những người dân, lợi dụng cảnh đình làng thâm nghiêm, xa nhà dân các đồng chí đã vào trong tẩm đình làng họp bàn công tác.

Từ tháng 3 năm 1945, đình làng Lãnh Đông là địa điểm đầu tiên mở lớp dạy bình dân do ông Phan Thanh Thừa phụ trách. Sân đình làng còn là địa điểm tập dợt chuẩn bị cướp chính quyền, sân đình rộng và là trung tâm Gò Nổi được làm lễ mitting toàn vùng, trên ngọn cây cổ thụ cao to trên 50m, làm một vọng gác có loa truyền thanh phát lên đến Xuân Đài, Bảo An, Xuyên Trường đều nghe rõ, cây đa như một địa điểm thân thiết của mọi người.

Kháng chiến chống Pháp bùng nổ và hòa bình lập lại, miền Nam tạm thời nằm trong vùng kiểm soát của địch. Cây đa Bàn Lãnh hiên ngang sừng sững đứng giữa đồng quê, chứng kiến bao cảnh thương tâm xót lòng của đồng bào dưới gót giày xâm lược và nó trở thành nơi hội tụ của lòng tin. Mẹ Việt Nam anh hùng Võ Thị Kiệt kể: vào một đêm năm 1959, khi luật 10/59 của chính quyền ngụy ra đời, cán bộ cách mạng bị truy lùng càn quét khắp nơi, dưới ánh trăng bất ngờ lá cờ đỏ sao vàng rất to được treo lên ngọn cây đa (người treo cờ: Phan Điểm còn sống, Huỳnh Câu, Huỳnh Lợi hi sinh). Nhìn lá cờ bay lòng dân ở đây ai cũng vui sướng, nghị lực và lòng tin cách mạng được củng cố thêm nhiều.

Năm Mậu Thân 1968, run sợ trước sự kiên cường của lòng dân Gò Nổi, đề quốc Mỹ đã cày ủi toàn bộ vùng quê, cây đa Bàn Lãnh cũng nằm trong số phận. Kể từ năm 1968 trở đi, đất Gò Nổi bị cày đi, cày lại không biết bao lần, kẻ thù đã dùng B52 rải thảm nhiều lần, dùng chất độc hóa học để hủy diệt sự sống, cây đa và đình làng cũng bị phá hủy từ đó. Đình Lãnh Đông chỉ còn để lại nuối tiếc của lòng dân trong câu cthị xã kể của những người đi xa. Ai có biết được đâu sức sống của nó như ấp ủ sức mạnh được tiềm tàng trong lòng đất của người dân Gò Nổi. Năm 1975, khi những người dân bám trụ và những người từ Đà Nẵng, Hội An và các nơi trở về bắt tay vào khai hoang, vỡ hóa xây dựng lại quê hương, người ta đã ngỡ ngàng trước một cây gạo con mọc ngay bên cạnh gốc cây cổ thụ xưa. Mọi người xem đó như một sự trở về của người thân lâu ngày xa cách, nuôi dưỡng nó vươn lên một sức sống căng mọng như mẹ nó ngày xưa.

Hiện nay, cây đa Bàng Lãnh cành lá xum xuê cao vút. Sự tồn tại của nó càng đặc biệt quý giá ở một vùng đất vốn bị B52, và chất độc hóa học của Mỹ rãi thảm. Cây đa và đình làng xưa đã trở thành di tích lịch sử quý báu của địa phương.

Năm 2016, người dân trong làng và bà con xa quê đã đóng góp phục dựng Đình làng với tổng kinh phí 1 tỷ 165 triệu đồng, Đình Lãnh Đông được phục dựng với quy mô khang trang, bề thế làm nơi thờ tự và giáo dục truyền thống yêu nước cho nhân dân và đặc biệt là thế hệ trẻ.

 

.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Thăm dò ý kiến
Nội dung thông tin cung cấp trên cổng thông tin điện tử:
Video Clip