• :
  • :
Phần mềm ứng dụng
Thư viện ảnh
Thống kê truy cập
Hôm nay : 8
Hôm qua : 15
Tháng 09 : 208
Tháng trước : 513
Năm 2024 : 933
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

DI TÍCH LỊCH SỬ CẤP QUỐC GIA“GIẾNG NHÀ NHÌ”, PHƯỜNG ĐIỆN NGỌC

1.Tên di tích: Giếng Nhà Nhì

2.Loại di tích: Lịch sử cách mạng

3.Quyết định: Được công nhận di tích theo Quyết định số: 839-VH/QĐ ngày 31/8/1990 của Bộ Văn hóa Thông tin.

4.Địa chỉ di tích: Khối phố Ngân Câu, Phường Điện Ngọc,thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam

5.Tóm lược thông tin về di tích:

      Tháng 2/1962, triển khai chiến dịch Đồng Khởi diệt ác, phá kèm, giành quyền làm chủ cơ sở. Thường vụ Tỉnh ủy quyết định lấy vùng cát Điện Bàn – Hòa Vang làm điểm thành lập ban chỉ đạo chiến dịch gồm các đồng chí: Trần Văn Đáng - Phó bí thư huyện ủy Hòa Vang, Nguyễn Chữ - Phó bí thư Huyện ủy Điện Bàn, Võ Tiến - Thường vụ Huyện ủy Điện Bàn (đội trưởng đội công tác và toàn đội công tác của Huyện tại Điện Ngọc gồm đ/c: Đặng Xước (Bí thư Ban cán sự), Lê Tựu, Đặng Bảo Chí (đội viên).

Nhiệm vụ của ban cán sự là tranh thủ bất ngờ, dùng một lực lượng nhỏ đánh úp một số cơ quan hội đồng xã, một vài đơn vị dân vệ, tổng đoàn, áp đảo địch, phát động quần chúng phá rã một số ấp chiến lược, thành lập chính quyền tự quản, tổ chức lực lượng vũ trang xã thôn, xây dựng làng chiến đấu đánh chống địch bảo vệ thành quả Đồng Khởi. Kéo hút địch về vùng sâu, đển các xã trên đường lộ 1, nhân địch sơ khoán, tự nổi dậy dành quyền làm chủ.

(Ảnh: Giếng Nhà nhì)

Đảng bộ xã Điện Ngọc lo xây dựng chỗ dừng chân cho lực lượng vũ trang, xử lý các tình huống khó khăn như đò, phương tiện, giao thông, liên lạc, giải quyết thương vong. Trong đó Chi bộ thôn 1 phải trực tiếp phục vụ và bảo vệ. Tối ngày 24/4/1962 một tổ biệt động Tỉnh gồm 7 người do đồng chí Lê Viễn làm Đội trưởng.

1. Đ/c: Lê Viễn (Hiền) xã Điện Nam, Đội trưởng.
2. Đ/c: Võ Như Hưng (Võ Trước) xã Điện Nam, Đội phó.
3. Đ/c: Nguyễn Thật Huyện Quế Sơn, Chiến sĩ.
4. Đ/c: Trần Thọ (Trần Thị) Huyện Quế Sơn, chiến si.
5. Đ/c: Trần Nghĩa (Trần Tạo) Huyện Hòa Vang, chiến sĩ.
6.Đ/c:  Nguyễn Sĩ Huyện Hòa Vang, chiến sĩ.
7. Đ/c: Nguyễn Rìu (Nguyễn Tám) Huyện Duy Xuyên, Chiến sĩ.

 Đội về đến Thôn 1 xã Điện Ngọc, lập tức cùng với đội công tác, ban cán sự Đảng và Chi bộ thôn 1 bàn kế hoạch hành động.

Tối ngày 25/4/1962, từ thôn 1 các đ/c hành quân cấp tốc ra thôn Tứ Câu để ngày mai (25/4) đúng giờ G công khai hoạt động. Lực lượng gồm 7 đ/c đội biệt động và 3 đ/c đội công tác xã Điện Ngọc. Riêng đồng chí Đặng Xước Bí thư ban cán sự đi thôn 2 để chuẩn bị chiến trường. Nhiệm vụ của đội là sáng ngày 26/4/1962, đúng giờ G, triển khai đánh úp một số cơ quan hội đồng xã, phát động quần chúng nổi dậy ở 2 điểm ( Điện Ngọc và Hòa Hải) phá kèm, lập chính quyền tự quản, kéo hút định ở 2 huyện Hòa Vang, Điện bàn về vùng sâu.

 Song tối hôm đó, trời mưa to, Đảng bộ Xã huy động cơ sở trên trục đường đi chợ sớm để xóa dấu chân của chiến sĩ đi trên đất cát. Bọn địch phát hiện tiếng động trong đêm, đi báo cho bọn hội đồng Xã liền sáng hôm đó.

Bị lộ các đồng chí chủ động xuất kích vũ trang tuyên truyền cùng đồng bào trong xã và các xã bạn hình thành lực lượng ngăn địch, để anh em ta có điều kiện di chuyển. Khoảng 8 giờ sáng, từ thôn 5 đội hành quân đến thôn 3 gặp 1 đại đội bảo an, toàn đội triển khai chiến đấu, đánh lùi 5 đợt xung phong của địch. Đến 10 giờ, địch tiếp viện thêm 2 đại đội Tây Hồ. Đồng chí Hiền phân công 2 đồng chí Sĩ và Thọ, tách ra khỏi đội, vòng về phía sau lưng địch nổ súng. Hai bên đánh nhau quyết liệt, địch chết 1 số, 2 đồng chí ta hy sinh tại chỗ. Đội bí mật rút lên thôn Cẩm Sa và Quảng Hậu (xã Điện Nam). Tại đây đội gặp bọn thanh niên cộng hòa xã Thanh Minh(1), chúng né ta, nhưng khi ta đi qua rồi chúng báo động. Bọn phản động xã Thanh Minh huy động nhân dân kéo ra vây bắt. Tình thế không ổn, đội phải quay gấp về thôn 2 xã Điện Ngọc để có điều kiện chiến đấu và bảo vệ lực lượng.
Về đến thôn 2 xã Điện Ngọc, đội còn 8 đ/c nhưng địch các nơi kéo đến ngày một đông gồm dân vệ các xã. Bảo an, tổng đoàn, công an, cảnh sát, hiến binh, có cả Trần Quốc Thái ( Quận trưởng) khoảng 2000 tên, có đầy đủ vũ khí đạn dược.
Trong vòng vây của địch toàn đội đã khẳng định “ Quyết tâm chiến đấu đến cùng, diệt thật nhiều sinh lực địch, làm rối loạn hàng ngũ địch, cầm chân địch đến tối, chi viện cho các xã phía Tây quốc lộ 1 của 2 huyện Điện Bàn, Hòa Vang đồng khởi giành thắng lợi”.

Đến 15h ngày 26/4 toàn đội còn 8 đồng chí, nhưng chưa có địa thế thuận lợi để chiến đấu, đồng chí Hiền ra lệnh cho Thật và Chí tổ chức đánh trả buộc địch phải tập trung, để đội rút lui. Trong chiến đấu, đồng chí Thật hy sinh, đồng chí Chí vốn người địa phương, thuộc đường nên rút ra khỏi vòng vây an toàn. Các đồng chí còn lại, cụm xuống một giếng cạn (ao tưới thuốc) để chiến đấu. Sau khi đánh lùi 6 đợt xung phong của địch, hết đạn, đồng chí Hiền phân công cho đồng chí Rìu dùng súng ngắn bắn nhử địch, còn 4 đồng chí (Hiền, Hưng, Nghĩa, Thụ) mỗi đồng chí phụ trách một hướng, nhặt lựu đạn địch ném lại đánh trả địch. Các đồng chí đã diệt và làm bị thương hàng chục tên địch.

 Cuộc chiến đấu không cân sức diễn ra ác liệt suốt gần 4 giờ liền, địch phải giãn ra, lấy thương, xác và rút quân.Lúc bấy giờ là 19h, Nghĩa bị một quả lựu đạn nổ cướp hy sinh trong giếng. Bốn đồng chí còn lại đều bị thương: “Hưng dìu Rìu, Thụ dìu Hiền” bí mật rút ra ngoài vòng vây địch. Lúc này lực lượng tự vệ xã, cơ sở cách mạng, lực lượng nội tuyến tranh thủ trời tối, tổ chức đi đón, đưa về nhà cơ sở chăm sóc. Riêng đồng chí Đặng Xước - Bí thư ban cán sự Đảng, trong lúc hoạt động, địch phát hiện bắn bị thương nặng. Bọn Hội đồng xã bắt đưa về cơ quan Hội đồng tra khảo. Đồng chí đã anh dũng tố cáo tội ác địch. Khẳng định cuộc cách mạng của ta nhất định thắng lợi, rồi hy sinh.

 Trong thời gian điều trị và rút quân về căn cứ các đồng chí đã được đồng bào che chở, bảo vệ nuôi dấu, có đồng chí do vết thương nặng phải nằm lại trong dân đến 15 ngày để điều trị.Chiến công to lớn của đội đã ược Ủy ban Mặt trận dân tộc giải phóng khu Trung Trung bộ phong danh hiệu :  Bảy dũng sĩ Điện Ngọc” và được tặng thưởng “Huân chương giải phóng hạng nhất”.

Khu di tích lịch sử Giếng Nhà Nhì, nơi chiến đấu kiên cường của các Dũng sĩ Điện Ngọc năm xưa đã được quy hoạch, cắm mốc di tích lịch sử - văn hóa cấp Quốc gia đứng lồng lộng giữa đất trời Điện Ngọc, như một chứng nhân lịch sử oai hùng của trận mở màn phong trào đồng khởi vùng lên phá kèm, ngày ngày đón nhiều đoàn khách trong và ngoài nước đến tham quan và ghi nhận một kỳ tích oai hùng của những con người Điện Ngọc Điện Bàn mưu trí, táo bạo, dám đương đầu với lực lượng hùng hậu của địch để làm nên một trận đánh mãi mãi đi vào lịch sử của dân tộc.

         


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Thăm dò ý kiến
Nội dung thông tin cung cấp trên cổng thông tin điện tử:
Video Clip