• :
  • :
Phần mềm ứng dụng
Thư viện ảnh
Thống kê truy cập
Hôm nay : 8
Hôm qua : 15
Tháng 09 : 208
Tháng trước : 513
Năm 2024 : 933
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

VỤ THẢM SÁT XÓM TÂY, PHƯỜNG ĐIỆN DƯƠNG

1. Tên di tích: Vụ thảm sát Xóm Tây, Phường Điện Dương.

2. Loại di tích: Lịch sử cách mạng.

3. Quyết định: Đã được UBND Tỉnh Quảng Nam xếp hạng di tích lịch sử cách mạng cấp tỉnh theo quyết định Số 292/QĐ-UBND ngày 21/01/2011.

4. Địa chỉ di tích:Khối phố Hà My Trung, Phường Điện Dương, Thị xã Điện Bàn.

5. Tóm lược khối phốg tin về di tích:

Di tích Vụ thảm sát ở Xóm Tây (nơi 135 người dân hy sinh ngày 24/2/1968)thuộc khối phố Hà My Trung, Phường Điện Dương, thị xã Điện Bàn, Tỉnh Quảng Nam, có diện tích bảo vệ di tích là 1750m2.

Đêm 23.2.1968, bộ đội huyện Điện Bàn phối hợp du kích xã Điện Hải đánh vào các chốt điểm của địch từ Cồn Lý, thôn 2 đến xóm Tây. Tờ mờ sáng ngày 24 tháng 2 năm 1968, khoảng 2 đại đội lính của Lữ đoàn “Rồng Xanh” quân Nam Triều Tiên từ các cứ điểm kéo đến bao vây xóm Tây và xóm Trung của làng Hà My. Khoảng 7 giờ sáng, họ bắt đầu đuổi bắt gom dân đến 4 điểm của xóm Tây:Điểm thứ nhất tại đám đất màu trứơc nhà ông Nguyễn Điểu, gồm 12 người; Điểm thứ hai tại hầm bà Lê Thị Thoại gồm 16 người; Điểm thứ ba tại nhà ông Nguyễn Bính gồm 74 người; Còn tại xóm Đồng Chè, 16 người đã chạy gom lại, quẩn quanh ở các bụi tre trước ngõ nhà bà Cao Thị Dương.135 người dân ở 4 điểm này mà hầu hết là người già, phụ nữ, trẻ em, sẽ bị lính Triều Tiên xúc về Hội An như mọi khi chăng? Ai trong số họ sẽ bị đánh đập hoặc giết chết? Khá nhiều người phân vân không biết lính Triều Tiên đuổi dồn họ về đây làm gì? Và nhiều người lo sợ...

Không cần điều tra xét hỏi, không cần xát định đâu là dân, đâu là Việt Cộng, không nương tay cho người già, phụ nữ và trẻ con, cứ thế quân Nam Triều Tiên dùng súng tiểu liên, cối cá nhân M79, lựu đạn, bắn và ném xối sả vào 145 người dân Hà My. Máu tuôn trào đỏ cát. Những cánh tay giơ lên tìm phương bấu víu lần lược bị tiện đứt. Những tiếng khóc của trẻ em, và tiếng la của phụ nữ u thảm trong tiếng thét man rợ của lính. Những xác người đổ gục. Những xác người đổ chồng lên nhau. Những xác người xé ra tung toé... một vài cái đầu nhào ra nhốn nháo tuôn chạy liền bị lính “Rồng Xanh” dùng lê đâm vỡ bụng hoặc đạp vỡ xương sống.

Sau gần ba giờ tắm máu 135 người dân Hà My, Điện Dương, lính Triều Tiên mới rút đi. Nhưng phải đến 18 giờ đêm 26 (tức 25 tháng 2 năm 1968), cán bộ, du kích và dân chạy tránh mới về thu dồn được hậu quả của cuộc thảm sát. Những người bị thương, máu chảy gần như cạn kiệt, họ khát bỏng và lê lết đi tìm nước...

Từ dưới hầm bí mật, 8 cán bộ du kích (gồm Nguyễn Cọi (1945), Lê Tấn Bửu (1941), Nguyễn Dị (1933), Võ Đức Thạc, Phạm Thăng, Nguyễn Lượng xóm Tây và xóm Trung lên, đi thu lượm xác dân. Anh Nguyễn Cọi kể lại “khoảng 18 giờ đêm 26(25/2/1968), từ hầm bí mật lên, tôi sợ không biết còn địch hay không nên mới lủi dọc theo bụi bờ. Một tiếng khóc kéo tôi bò lần đến thì thấy cháu Nguyễn Thành (5 tuổi) còn sót lại trong hầm nhà bà Lê Thị Thoại (mẹ của anh Nguyễn Cội), cháu Thành khóc và kêu đến khan cổ: “bà nội ơi!..”, Nguyễn Cọi hốt hoảng nhảy vào hầm nhà bà Thoại thì thấy la liệt xác chết. Anh thấy em Nguyễn Thị Thanh (11 tuổi), mặt mày lem lút khói đen vừa khóc vừ nói: “chết hết rồi!” Anh Cọi lục tìm thì tiếp tục thấy em Nguyễn Định (1960), Nguyễn Tâm (1960) bị thương nặng nhưng còn sống. Nguyễn Cọi bủn rủn tay chân. Mẹ của anh đã chết, em trai của anh là Nguyễn Tâm bị thương nặng, ống chân bị cắt đứt xương chỉ còn một chút da dính lủng lẳng. Nguyễn Cọi đau xót, uất nghẹn nhưng anh cắn răng hối hả bồng Tâm, vừa cầm ống chân sắp rời lên miệng hầm, anh Cọi lần lượt đưa bốn đứa trẻ còn sống về một chỗ và tìm dụng cụ chuyển thương. Sau đó anh tiếp tục quay lại hầm bà Thoại lục thử còn ai sống sót, thì trước mắt anh, mười hai người chết trong tư thế rùng rợn. Bà Nguyễn Thị Dõi (32 tuổi) bị cắt đứt nữa dưới thân, anh sốc nách bà Dõi đưa lên hầm thì một đống ruột tuột ra lòng thòng và mọng mỡ cháy vàng nhày nhụa, kiến bọ nghe mùi máu tanh đã bò đến các xác chết. Có cái chết đột ngột còn biểu hiện trong tư thế tay chống nạnh mắt mở to trừng trừng của bà Phạm Thị Sự (42 tuổi). Một mình lục tìm và chuyển xác ra ngoài, anh Cọi lần lượt đã sắp được 12 xác chết gồm:

-7 trẻ em là Nguyễn Văn Đạt, Nguyễn Thị Xí, 3 đứa con của bà Nguyễn Thị Giỏi và hai đứa con của bà Kiều Thị Châu.

-5 phụ nữ là: Bà Lê Thị Thoại, Nguyễn Thị Giỏi, Phạm Thị Sự, Kiều Thị Châu, và Nguyễn Thị Bưng.

Sau khi chuyển thương (4 đứa trẻ) về Trảng Cát, Nguyễn Cọi mới có thể quay về chôn xác chết của những người thân và bà con trong xóm. Tại đám đất (rộng khoảng 30m2) anh đã cùng một số người chôn 12 người chết (gồm 4 người trong gia đình cùng với bà Nguyễn Thị Bưng, Nguyễn Thị Kiều, hai con ông Nguyễn Dị, bà Nguyễn Thị Điểu và ba con) sau đó anh lần lượt đến các điểm tàn sát khác:

Tại nhà ông Nguyễn Bính, 74 người bị dồn vào đây, sau khi bị ném lựu đạn và tiểu liên thì đồng thời cũng bị thiêu xác. Hiếm hoi trong số đó có ông Nguyễn Bính và cháu của ông là Nguyễn Thị Liễu (1961), nấp trong hộc bàn thờ mới thoát được. Bà Phạm Thị Hoa, bà Trương Thị Thú bị cụt chân vẫn cố lê lết ra ngoài nên cũng thoát chết. Phần lớn xác người bị thiêu cháy, thân cong queo lại nhưng thanh củi khô. Chỉ có một số ít xác được người thân nhận diện đem về chôn còn phần lớn không nhận diện được phải nguyên tại chỗ.

Tại đám đất màu nhà ông Nguyễn Điểu (còn gọi là Nguyễn Biểu) tiểu liên và lựu đạn đã xới tung thịt xương trộn với đất. Phần lớn đã bị giết chết. Trong mùi tử thi xông lên ngột ngạt, Nguyễn Cọi nhìn thấy em Nguyễn Thị Bông (4 tuổi) con của ông Nguyễn Chung bị mất hàm dưới. Em khát nước, lấy tay múc nước ảng để uống nhưng không thể nào uống được. Nguyễn Cọi và những người cùng đi , thấy cảnh ấy đều rơi nước mắt , không dám nhìn. Bên cạnh đó còn có một đứa trẻ 2 tuổi là em Nguyễn Thị Sàn đang ôm bầu vú khô của người mẹ đã chết mà bú. Một số xác được đem đi chôn và một số xác nát tươm phải chôn tại chỗ. Một số xác bị xé nát tung toé ra chung quanh (cho nên sau này dân sản xuất lượm được xương trên đất màu dồn thành ngôi mộ khoảng 2m2).

Tại ngôi nhà bà Cao Thị Dương, những người đàn bà chạy dồn cụm về đều bị xả súng và dâm lê, chết hết 16 người...

133 người dân đã chết liền tại chỗ. Ông Bính và đứa cháu chạy thoát, còn lại mười người bị thương (gồm đàn bà và trẻ con) phải chịu đựng gần một ngày và một đêm mới được chuyển đi chữa trị. Và trong số mười kẻ thương vong bất hạnh ấy, em Nguyễn Tâm (1960), Nguyễn Thị Xí (1963) không còn chịu đựng nổi đã chết trên đường ra bệnh viện Đa Khoa Đà Nẵng). Một số người bị thương, nhiễm trùng nặng, bị lỡ loét và như bà Phạm Thị Hoa kể: “Chân bà bị thương đã hoá giòi mới đi chữa trị được”.

Một ngày và hai đêm, và thật ra chưa đầy hai tiếng đồng hồ 135 người dân Hà My đã bị lính Nam Triều Tiên nhận chìm trong bể máu. Cái chết khủng khiếp và tàn khốc đã rải xương và máu thấm đầy trong cát Hà My. Đó là cuộc tập kích vào dân mà hậu quả là cuộc tắm máu 135 người dân Hà My, trong đó phần lớn là ông bà già, phụ nữ và trẻ em.

Trong số 135 người bị sát hại vào ngày 24.2.1968, theo lời ông Cọi, đến nay mới tìm được hài cốt khoảng vài ba chục người. Hằng năm, đến ngày 25 tháng giêng âm lịch, tại Hà My Trung và Hà My Tây, gần như nhà ai cũng giỗ cho người thân của mình.

Năm 2000, phong trào “Thành thật xin lỗi Việt Nam” được hình thành tại Hàn Quốc sau loạt phóng sự của nữ Tiến sỹ - Nhà báo Ku Su Jeong đăng trên tạp chí Hankyoreh 21 về vụ thảm sát của lính Đại Hàn tại Việt Nam. Theo đó, đã có rất nhiều những hoạt động thiết thực của các tổ chức Hàn Quốc. Từ thường xuyên về Việt Nam tặng quà, động viên thăm hỏi những nạn nhân còn sống sót, năm 2000, Hội Cựu Chiến binh Hàn Quốc đã tài trợ 18.000USD xây dựng Đài tưởng niệm những người bị lính Đại Hàn sát hại vào ngày 24.2.1968 trên cánh đồng ở xóm Tây, Hà My Trung.

Tại Lễ tưởng niệm 50 năm vụ thảm sát xóm Tây, làng Hà My vào ngày 11/3/2018, Ông KANG U IL, Chủ tịch quỹ Hòa bình Việt - Hàn đã không kìm được nước mắt khi phát biểu trong lễ tưởng niệm: “Tôi đang đứng trên mảnh đất, nơi từng là hiện trường của một vụ thảm sát tang thương tột cùng, không thể tin và cũng không muốn tin. Chúng tôi không cất nổi thành lời, chỉ còn biết gồng mình, cố nén tiếng khóc cứ chực vỡ òa”.

Ông KANG U IL, Chủ tịch quỹ Hòa bình Việt- Hàn cho rằng: “Sự thật về một ngày đã phủ bóng đêm đen tối lên làng Hà My năm 1968, mà mãi đến hôm nay ngày tưởng niệm 50 năm vụ thảm sát vẫn còn bị chôn ngầm dưới tấm hoa cương chạm vẽ hoa sen. Dù quá khứ có hổ thẹn đến đâu thì sự thật vẫn cần được đưa ra ánh sáng một cách toàn vẹn nhất, để rút ra từ đây bài học cho những sai lầm này không còn lặp lại về sau. Bởi vì khi chúng ta thắt một nút kết đúng đắn cho quá khứ, thì nút thắt ấy mới trở thành bàn đạp của tương lai, hướng chúng ta về một sự hòa giải và một nền hòa bình chân chính”.

“Chúng tôi thành thật xin lỗi Việt Nam, chúng tôi sẽ không quên, chúng tôi sẽ luôn khắc nhớ, xin các vị hãy nguôi đi sự oán trách, buồn đau những nỗi oan khiên phẫn nộ ngày nào mà ra đi thanh thản. Chúng tôi xin hứa, từ giây phút cử hành lễ tưởng niệm 50 năm vụ thảm sát Hà My sẽ là sự khởi đầu cho nửa thế kỷ tới của một nền hòa bình mới”- ông KANG U IL nói.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Thăm dò ý kiến
Nội dung thông tin cung cấp trên cổng thông tin điện tử:
Video Clip