• :
  • :
Phần mềm ứng dụng
Thư viện ảnh
Thống kê truy cập
Hôm nay : 8
Hôm qua : 15
Tháng 09 : 208
Tháng trước : 513
Năm 2024 : 933
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

NHÀ CỔ NGUYỄN NHO PHÁN, ĐIỆN MINH

1. Tên di tích: Nhà cổ Nguyễn Nho Phán

2. Loại di tích: Lịch sử cách mạng.

4. Quyết định: Đã được UBND Tỉnh Quảng Nam xếp hạng di tích cấp tỉnh theo quyết định Số:440/QĐ-UB ngày 15/02/2005.

5. Địa chỉ di tích: Thôn Bồng Lai, Xã Điện Minh, Thị xã Điện Bàn.

6. Tóm lược thông tin về di tích:

Nhà cổ ông Nguyễn Nho Phán thuộc thôn Bồng Lai, xã Điện Minh, thị xã  Điện Bàn, Tỉnh Quảng Nam, có diện tích bảo vệ di tích là 7.254m2.

Hơn 100 năm, ngôi nhà cổ Nguyễn Nho Phán (thôn Bồng Lai, xã Điện Minh) vẫn tồn tại như một chứng nhân cho bao thăng trầm của đời người. Những chủ nhân của ngôi nhà lần lượt ra đi nhưng đây đó vẫn còn hình ảnh, dấu vết của gia chủ một thời sung túc…Nét cổ kính, tinh xảo, truyền thống của một ngôi nhà cổ vùng đồng bằng xứ Quảng được giữ lại nguyên vẹn đã toát lên vẻ đẹp thu hút khác lạ giữa đời sống hiện đại.

Giữa những ngôi nhà cao tầng hiện đại mọc san sát nhau có một lối nhỏ dẫn vào ngôi nhà cổ đã có hơn trăm năm tuổi. Bao năm trôi qua, những rặng tre xanh vẫn đứng nghiêng mình trong gió để chứng kiến bao đổi thay của cuộc sống nơi đây. Chiếc hồ đầu ngõ tỏa ngát hương sen khiến không khí yên bình đến lạ. Mặt trước nhà là hai cây thiên tuế đã gần trăm năm tuổi đứng hiên ngang như anh lính cần cù bảo vệ ngôi nhà. Nét xưa, hồn quê mộc mạc và vẻ đẹp nguyên sơ của ngôi nhà như khơi dậy từ giếng sâu ký ức mỗi người một quá khứ như xa lạ mà gần gũi thân thuộc.

Tổng thể kiến trúc của di tích gồm có nhà chính, nhà ngang, nhà nối, nhà phụ, các lối vào có cổng (cổng chính, cổng phụ) và các công trình khác như nhà bếp, kho chứa...Năm 1918 đã tu sửa toàn bộ kiến trúc bằng cách xây thêm một số kết cấu: cột hiên, hành lang bao che, bờ nóc, bờ chải...Đặc biệt cổng vào khu vườn nhà có mái cheo lợp ngói, khung sườn bằng gỗ...Lối đi cũng từ hướng Bắc vào nhà qua một bình phong rào chắn bằng cây.... lối vào nhà phải qua cổng có mái che lợp bằng tôn và xung quanh được rào bằng tre đan chéo rào kín hướng Bắc là mặt chính của ngôi nhà. Vì vậy, vào nhà phải đi vòng quanh theo lối đi bê tông song song theo bờ tre, bên phải là hàng cau mọc xinh xắn dẫn đến ngôi nhà phụ. Vào bên trong nhà này rồi tiếp tục bỏ qua nhà ngang nối tiếp để vào nhà chính từ cửa bên chái hồi trái. Bên trong, ngôi nhà cổ được thiết kế theo kiểu ba gian hai chái, mái ngói lợp kiểu âm dương (có tới 5 lớp ngói). Đặc biệt, ngôi nhà có 81 cây cột được làm bằng gỗ mít lâu năm, theo thời gian nay đã lên nước màu nâu và hệ thống kèo, đà được chạm trổ hoa văn họa tiết kiểu cổ xưa, tinh xảo. Dường như những người thợ mộc ở Kim Bồng không chỉ kỳ công chạm trổ, mà còn thổi thần sắc vào đó. Trong nhà, gia đình vẫn giữ được rất nhiều vật dụng thờ cúng tổ tiên, vật dụng dùng trong lao động sản xuất, trong sinh hoạt gia đình như sập gụ, gương xe, cối xay bằng tre, bộ bàn ghế đá bằng cẩm thạch, tủ thờ, tủ chè, riêng tủ chè có trang trí vật dụng sinh hoạt cổ, trong đó có những đồ cổ từ thời Khang Hy, Trung Quốc....Đặc biệt, chính giữ ngôi nhà chính, tấm hoành phi sơn son thiếp vàng khắc hai đại tự “Phước Quả” được treo trang trọng. Theo lời gia đình không biết tấm hoành phi này có từ bao giờ, chỉ biết khi ông Nguyễn Nho Phán lớn lên đã có bức hoành phi này rồi. Bao đời gia chủ sống trong ngôi nhà này đã lấy bức hoành phi này là tôn chỉ, mục đích sống và dạy dỗ con cháu rằng làm nhiều việc thiện sẽ gặp được điều tốt đẹp. Càng tự hào, trong những năm kháng chiến chống Pháp, ngôi nhà của ông Nguyễn Nho Phán đã chở che, nuôi giấu bao cán bộ chủ chốt của thị xã như các đồng chí Nguyễn Tấn Minh (nguyên Chủ tịch UBND huyện Điện Bàn), Lê Lân (Nguyên Chủ tịch UBND xã Điện Minh)…

Qua hơn một trăm năm mươi tuổi, với bao thăng trầm, thay đổi, ngôi nhà cổ Nguyễn Nho Phán vẫn được các thế hệ con cháu giữ gìn cẩn thận từ mỗi nét chạm khắc, đến những viên ngói âm dương đã ngả màu thời gian. Ông Nguyễn Nho Lĩnh kể: "Tôi là đời thứ sáu sống trong ngôi nhà này, đây vừa là nhà ở, vừa là nơi thờ phụng của dòng tộc. Mỗi năm vào dịp lễ, Tết, con cháu lại tụ họp về đây vừa là dịp gặp mặt, vừa là dịp để bàn bạc, cùng chung tay góp sức để sửa sang lại ngôi nhà, vừa bảo ban, giúp đỡ nhau”. Việc gia đình ông gìn giữ ngôi nhà cổ cũng như giữ gìn truyền thống của gia đình trong suốt thời gian qua cũng góp phần làm giàu đẹp thêm cho vốn văn hóa của mảnh đất và con người Điện Bàn.

Nhà cổ Nguyễn Nho Phán là một kiến trúc cổ truyền, là một kiểu nhà ở tiêu biểu của vùng nông thôn xứ Quảng xưa. Nó là công trình kiến trúc nghệ thuật đặc sắc hội đủ các yếu tố cảnh quan, môi trường, nghệ thuật, thẫm mỹ nhưng hiện nay ngôi nhà cổ Nguyễn Nho Phán đang phải đối mặt với sự tàn phá, bào mòn của thời gian. Ông Nguyễn Nho Lĩnh cho biết: "Các bộ phận như rui, ngói... đã mục nát làm nhà dột nhiều về mùa mưa nhưng để sửa chữa rất công phu vì loại ngói này phải vào Hội An đặt trước, loại rui, gỗ cũng rất khó tìm, kinh phí cao mà gia đình chưa có điều kiện sửa chữa".

 Các ngôi nhà cổ cũng là một trong những điểm đến lý tưởng cho du khách bốn phương. Việc trùng tu, bảo vệ, khai thác, tận dụng ưu thế văn hóa của những ngôi nhà cổ cũng là điều hết sức cần thiết. Với tâm huyết và kinh nghiệm nhiều năm gìn giữ ngôi nhà cổ, ông Nguyễn Nho Lĩnh cho rằng: "Chỉ có những người say mê kiến trúc, có tâm huyết, có kinh phí và biết cách gìn giữ thì mới giữ được. Việc gìn giữ những ngôi nhà cổ hiện nay là việc của mỗi gia đình, cha ông đã có công xây dựng thì con cháu phải có trách nhiệm phải gìn giữ. Đó cũng là một đạo lý ở đời. Nhớ đến cha ông là nhớ đến ngôi nhà, nhưng giữ gìn được ngôi nhà lại là việc khó khăn, không có cái gì không bị thời gian bào mòn, huống chi là những ngôi nhà đã hàng trăm năm tuổi"

Về thăm nhà cổ, tìm cảm giác bình yên xa phố thị ồn ào; ngồi trên bậc thềm của ngôi nhà được cất dựng từ những con người đã sống cách mình hơn cả thế kỷ, chạm tay cánh cửa đã ngả màu thời gian cảm giác thật khó tả... Mọi vẻ đẹp đều sẽ bị bào mòn theo thời gian nhưng những thước đo giá trị thì vẫn luôn tồn tại giữa những hữu hạn tàn phai. Thiết nghĩ những ngôi nhà cổ có nét đẹp và mang dáng dấp cổ kính, thân thuộc với bất cứ người Việt nào như nhà cổ Nguyễn Nho Phán cần có cách bảo tồn kịp thời và khai thác bằng những hướng đi đúng.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Thăm dò ý kiến
Nội dung thông tin cung cấp trên cổng thông tin điện tử:
Video Clip