• :
  • :
Phần mềm ứng dụng
Thư viện ảnh
Thống kê truy cập
Hôm nay : 5
Hôm qua : 5
Tháng 09 : 190
Tháng trước : 513
Năm 2024 : 915
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

DI TÍCH LỊCH SỬ VĂN HÓA CẤP TỈNH: MỘ CỤ MAI DỊ, XÃ ĐIỆN PHƯỚC

1. Tên di tích:Mộ Mai Dị

2. Loại di tích: Lịch sửvăn hóa

3. Quyết định: Đã được UBND Tỉnh Quảng Nam xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh theo quyết định Số: 440/QĐ-UB ngày 15/02/2005.

4. Địa chỉ di tích:Thôn Nông Sơn, Xã Điện Phước, Thị xã Điện Bàn.

5. Tóm lược thông tin về di tích:

Mai Dị sinh năm 1880 tại làng Nông Sơn, huyện Diên Phước (nay là xã Điện Phước, thị xã Điện Bàn), trong một gia đình Nho học có truyền thống yêu nước. Cha ông là Tú tài Mai Luyện từng tham gia Nghĩa hội Quảng Nam dưới thời Nguyễn Duy Hiệu bị hài tội “chết không được lập bia”. Mẹ ông là bà Huỳnh Thị Lý, người làng Minh Hương, Hội An, rất đảm đang và cũng rất kiên cường.

Từ nhỏ Mai Dị học rất giỏi, được Phan Châu Trinh đánh giá “Mai Dị và Phan Khôi là hai tiến sĩ tương lai của Quảng Nam”. Chịu ảnh hưởng của các bậc thức giả đàn anh, Mai Dị đã sớm tìm đọc Tân thư. Năm 1906 ông đỗ cử nhân nhưng không chịu ra làm quan, ở nhà tham gia phong trào Duy tân. Ông là một trong những nhân sĩ đầu tiên của Quảng Nam tham gia cắt tóc ngắn và mặc âu phục lúc bấy giờ. Chuyện kể, một ngày mùa đông năm 1906, Phan Châu Trinh sau khi đi Nhật về với mái tóc cắt ngắn cùng bộ đồ tây rất “mốt” đi thăm các cơ sở duy tân ở Điện Bàn và đã vận động các thân sĩ ở đây cúp tóc. Mai Dị là người thực hiện đầu tiên, tiếp đó là Phan Khôi, Phan Thúc Duyện, Phan Thành Tài, Lê Dư. Sau đó vài ngày có hàng trăm người tham gia. Trần Quý Cáp và Huỳnh Thúc Kháng cũng tham gia cắt tóc ngắn trong dịp này. Ông là giáo sư của trường Diên Phong cùng với Phan Thúc Duyện, Phan Thành Tài. Cũng năm 1906, theo lời mời của Trần Quý Cáp, một phái đoàn Duy tân từ Hà Nội vào thăm Quảng Nam để tìm hiểu tình hình và kết liên hoạt động do nhân sĩ nổi tiếng Bắc Hà là Dương Bá Trạc dẫn đầu. Đoàn đã đến và ở lại nhà ông. Vì mối quan hệ này mà sau đó ông được cử ra Bắc với tư cách phái viên của phong trào Duy tân Quảng Nam. Ông cùng Phan Khôi được Phan Châu Trinh giao nhiệm vụ đem bài “Đầu Pháp chính phủ thư” ra Hà Nội giao cho Babut dịch sang tiếng Pháp và gửi cho Toàn quyền Đông Dương (Babut là bạn với Phan Châu Trinh, Chủ bút tờ báo Đăng cổ, là thành viên của Hội Nhân quyền của Pháp, sau này đã đấu tranh mạnh mẽ cho việc ân xá Phan Châu Trinh).

Năm 1908, nhân cuộc biểu tình chống thuế ở Quảng Nam, Mai Dị và Phan Khôi bị bắt ở Hà Nội, kêu án 3 năm đưa về giam ở nhà lao Hội An. Châu bản số 9 của triều Duy Tân ngày 29.8.1908 viết: “… Lê Dư càn quấy diễn thuyết, mỗi nơi chỉ trích phỉ báng quan lại; Mai Dị, Phan Hoài (Khôi), Nguyễn Bá Trác, không xin phép tự tiện đi Bắc kỳ… Mai Luyện, Nguyễn Nhự xuất vốn buôn tương đối nhiều, cử chỉ có nhiều điều phóng túng… xin đều xử trượng 100 đồ 3 năm…”.

Mãn hạn tù trở về, được mời làm tri phủ nhưng Mai Dị từ chối.

Năm 1916, ông tham gia cuộc khởi nghĩa của vua Duy Tân do Thái Phiên và Trần Cao Vân lãnh đạo. Ông đã bán một phần tài sản của mình để đóng góp cho cuộc khởi nghĩa, làm công tác vận động kinh tài và là người thay mặt vua Duy Tân thảo các hịch kêu gọi nhân dân đứng dậy khởi nghĩa. Cuộc khởi nghĩa thất bại, các nhân vật chủ chốt bị bắt, ông cũng bị bắt ở Hà Nội bị kêu án 3 năm tù và đưa về giam ở nhà lao Hội An.

          Bản án sau này có người cho là quá nhẹ so với các đồng chí của ông vì ông là nhân vật chủ chốt. Nhiều người cho là nhờ ông đã có thơ xướng họa cùng Tổng đốc Quảng Nam lúc bấy giờ. Nhưng sự thực là nhờ sự lanh trí của vợ ông và sự kiên cường của các đồng chí.

          Sau khi ra tù, theo lời mời của Nguyễn Bá Trác, Mai Dị ra Huế tham gia viết sách. Nhận thấy việc viết sách phục vụ cho nhiệm vụ khai dân trí cũng là việc cần thiết nên ông nhận lời. Ông là đồng tác giả của “Thừa Thiên đăng khoa lục”, “Thừa Thiên địa dư chí”, “Tự điển Hán Việt”.

          Vào cuối đời do bi phẫn về tình hình đất nước lại làm việc quá sức, ông bị bệnh lao và mất ở Huế năm 1928, được chôn trên núi Ngự Bình. Năm 1989 gia đình và chính quyền mới đưa về an nghỉ ở quê nhà. Mộ ông đã được UBND Tỉnh Quảng Nam xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh theo quyết định Số: 440/QĐ-UB ngày 15/02/2005.

                                                                   (Theo: Đất và người xứ Quảng)


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Thăm dò ý kiến
Nội dung thông tin cung cấp trên cổng thông tin điện tử:
Video Clip