• :
  • :
Phần mềm ứng dụng
Thư viện ảnh
Thống kê truy cập
Hôm nay : 5
Hôm qua : 5
Tháng 09 : 190
Tháng trước : 513
Năm 2024 : 915
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

ĐÌNH LÀNG PHONG NGŨ, ĐIỆN THẮNG NAM

1. Tên di tích: Đình Làng Phong Ngũ.

2. Loại di tích: Lịch sử văn hóa

3. Quyết định: Đình Làng Phong Ngũ đã được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh theo quyết định số 2643/QĐ-UBND ngày 28/08/2013của UBND Tỉnh Quảng Nam.

4. Địa chỉ di tích:LàngPhong Ngũ, Điện Thắng Nam, Điện Bàn.

5. Tóm lược thông tin về di tích:

Đình Phong Ngũ ngày nay tọa lạc trên xứ đất Thùy Chu của làng Ngũ Giáp xưa, cách trụ sở Ủy ban nhân dân xã Điện Thắng Nam ba trăm mét về hướng Tây, cách trung tâm huyện lỵ Điện Bàn về hướng Nam khoảng bốn cây số.

Đình Phong Ngũ có tên xưa là đình Châu Phong, được xây dựng từ khoảng đầu thế kỷ thứ XVIII. Trải qua năm tháng, các thế hệ nối tiếp nhau trùng tu tôn tạo trở thành di tích lịch sử của làng. Đến năm Kỷ Mùi (1919), đình được xây dựng kiên cố và được đại trùng tu vào năm Tân Mão (1939). Sân đình thoáng rộng, ngoài cổng có bốn trụ biểu cao vút, chạm trổ hoa văn, trên đỉnh có gắn hai con kỳ lân bằng đá giao diện, mặt trước có hai cặp câu đối: “Ngũ Giáp oai hùng nhơn lương tuấn vọng tường/Châu Phong linh kiệt thủ văn long hổ bảng” (Tạm dịch: Làng Ngũ Giáp oai hùng nhiều người tuấn kiệt/ Đất Châu Phong linh thiêng sản sinh khoa bảng) và “Cảnh tiền Thùy vũ giang sơn cựu/ Hướng hậu trường sinh thủy phù tân” (Tạm dịch: Trước cánh đồng Thùy Chu xưa lưu lại/ Sau dòng sông bồi đắp đến ngày nay).

Trải qua bao biến cố thăng trầm của lịch sử, ngôi đình bị tàn phá, nhưng may mắn thay dân làng vẫn còn lưu giữ hai bức hoành phi cổ làm bằng gỗ mít. Một bức có nội dung “Châu Phong Đình” viết bằng chữ Hán; niên đại và phẩm hàm của người cúng bức hoành này được ghi “Thanh Hóa tỉnh, Đốc học Hà Đằng phụng cúng, Khải Định, Kỷ Mùi niên” (do cử nhân Hà Đằng, Đốc học tỉnh Thanh Hóa cúng năm 1919). Bức hoành thứ hai có nội dung “Văn Đức Võ Công” cũng được ghi bằng chữ Hán; phẩm hàm và niên đại của người cúng được ghi “Xuất đội Hà Đình phụng cúng, Canh Thìn niên xuân” (do ông Đội Đình (Hà Đình) cúng năm 1940).

Do chiến tranh và thiên tai tàn phá, ngôi đình sau đó chỉ còn là phế tích. Bà con dân làng mong muốn xây dựng lại ngôi đình làng để làm nơi thờ cúng tri ân các bậc tiền nhân đã có công khai cơ lập nghiệp. Đáp ứng nguyện vọng đó, một cuộc vận động ủng hộ phục dựng ngôi đình được tổ chức và nhận được sự hưởng ứng của người dân. Công trình được khởi công vào ngày 8.9.2011 nhằm ngày 11 tháng 8 năm Tân Mão. Hơn 2 năm tổ chức thi công, đến nay ngôi đình đã cơ bản hoàn thành, kinh phí xây dựng hơn 2 tỷ đồng.

Đình Phong Ngũ hiện nay được xây dựng theo kiểu ba gian, hai chái, diện tích nền gần 200m2, hai góc phía trước có gian để chiêng, trống đắp hình chữ Thọ. Cột, kèo, xuyên, trính đúc bê tông cốt thép, ở đuôi kèo, lòng trính có chạm trổ hoa văn, sơn giả gỗ, đòn tay và rui bằng gỗ căm xe, mái lợp ngói âm dương. Bên trong hai tẩm hậu rất thâm nghiêm, đỉnh nóc đều có trang trí hoa văn rồng chầu nguyệt. Tiền đường trang trí nóc đôi ở giữa có bức tranh sơn thủy, mái trước có hai con phụng, mái sau có hai lá hoa văn góc. Ngoài cổng có cặp rồng chầu, trong sân có bức bình phong, mặt trước chạm nổi hình con hổ, mặt sau là bức tranh phong thủy. Các gian thờ được bố trí uy nghiêm, tráng lệ.

Từ khi phát động xây dựng đình làng, bà con, anh em làm ăn sinh sống xa quê thường xuyên hội ngộ, lúc gặp gỡ tại làng, lúc gặp mặt tại nơi công tác, thường xuyên liên lạc, thăm hỏi động viên, hiến kế, để xây dựng quê hương. Bà con đồng hương khắp nơi ngoài việc đóng góp hơn 2 tỷ đồng xây đình còn ủng hộ hàng trăm triệu đồng vào quỹ khuyến học của các tộc để động viên khen thưởng đẩy mạnh phong trào khuyến học, khuyến tài. Có người con quê hương công tác trong ngành ngân hàng kêu gọi bạn bè đồng nghiệp hỗ trợ đầu tư xây dựng bên cạnh đình một ngôi trường mẫu giáo kinh phí hơn 1 tỷ đồng, xây dựng hàng chục ngôi nhà tình nghĩa cho các gia đình chính sách tại quê nhà.

Cách đây 151 năm, nhà khoa bảng đầu tiên của làng là ông Hà Đức Ý - đỗ cử nhân vào năm Đinh Mão, niên hiệu Tự Đức 20 (1867). Kế tiếp, có rất nhiều người học hành đỗ đạt tiếng tăm như cụ Đốc học Hà Đằng đỗ cử nhân khoa Quý Mão (1903) đời vua Thành Thái thứ 15. Sau đó là nhà thơ Thu Bồn, từng nhận Giải thưởng văn học quốc tế của Hội Nhà văn Á Phi (1973). Sau này còn có tiến sĩ Toán học Hà Phụng tốt nghiệp tại Pháp năm 1973, và gần đây là tiến sĩ Hà Ban, tiến sĩ Võ Văn Lâm. Hiện nay có nhiều tiến sĩ còn rất trẻ như Hà Thạch (SN 1976), Võ Văn Chi (SN 1985) tốt nghiệp tại Pháp. Hiện tại làng có hơn 10 tiến sĩ, hơn 30 thạc sĩ và hàng trăm cử nhân đang sinh sống và công tác khắp nơi. Riêng trong năm 2013 này, làng có 26 con em đỗ đại học; trước đó năm 2012, làng có 18 con em đỗ đại học, trong đó có 1 thủ khoa... Những thành tích đó là nhờ làng có truyền thống hiếu học từ bao đời và các phong trào khuyến học khuyến tài được phát động sâu rộng trong từng tộc họ, cùng với sự chăm lo chu đáo của người dân trong làng cũng như bà con sinh sống xa quê.

Đình Làng Phong Ngũ đã được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh theo quyết định 2643/QĐ-UBND ngày 28/08/ 2013của UBND Tỉnh Quảng Nam.Sáng ngày 01/9/2013, xã Điện Thắng Nam đã long trọng tổ chức khánh thành và đón nhận bằng di tích cấp tỉnh cho đình làng Phong Ngũ.

Ngôi đình không chỉ là hồn khí thiêng liêng của làng mà còn là nơi sinh hoạt văn hóa cộng đồng, tạo mối gắn bó mật thiết giữa bà con nhân dân trong làng và những người con đang làm ăn, sinh sống xa quê. Dù đi đâu hay ở bất cứ nơi nào, những con em của làng Phong Ngũ luôn nhớ về cội nguồn tiên tổ, nơi cắt rốn chôn nhau và vẫn luôn “Thao thức với làng”.

Để những giá trị văn hóa truyền thống của làng, của quê hương được trường tồn mãi mãi thì thế hệ hôm qua đã làm, thế hệ chúng ta hôm nay đang làm, thế hệ con cháu chúng ta mai sau sẽ tiếp tục làm và làm tốt hơn nữa. Tất nhiên còn nhiều việc chúng ta phải làm, tiếp tục làm để làng ngày càng phát triển hơn, những người con của làng ngày càng giàu mạnh hơn, đoàn kết hơn và yêu thương nhau hơn....

Giờ đây nhìn ngôi đình uy nghiêm, tráng lệ, mỗi người con của làng không khỏi bồi hồi xúc động bằng một tình cảm da diết khi nghĩ về mảnh đất quê hương:

Ta đi ta nhớ quê nhà

Con sông, bến nước, cây đa, mái đình...

  (Theo http://dienban.gov.vn)

 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Thăm dò ý kiến
Nội dung thông tin cung cấp trên cổng thông tin điện tử:
Video Clip